Ngày 31/03/2016, Quy hoạch chung xây dựng (1/2.000) Làng du lịch
sinh thái Đại Bình tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Nam
phê duyệt và ban hành quy định quản lý xây dựng tại Quyết định số
1195/QĐ-UBND. Quy hoạch này do UBND huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư và cơ quan tư
vấn lập đồ án là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam.
Đại Bình còn có tên gọi là Đại Bường, được mệnh danh là làng trái
cây Nam Bộ thu nhỏ của miền Trung. Đây là một làng quê nằm bên sông Thu Bồn,
lưng dựa vào đồi núi, được con sông Thu Bồn bồi đắp phù sa màu mỡ nên trồng
được rất nhiều giống cây ăn quả ở miền Nam tạo thành một như một ốc đảo trù phú
xanh biếc bốn mùa. Rất nhiều loại trái cây Nam Bộ được đem về trồng tại đất này
như cam sành, quýt, trụ, bòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, măng cụt... Ngoài ra,
nơi đây vẫn còn nguyên sơ một làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ,
bãi mía, nương dâu... Đặc biệt, ngoài những nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho
ngôi làng nhỏ này, du khách còn có thể cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi,
chất phác của những con người nơi đây.
Với ý tưởng xây dựng và phát triển Đại Bình thành một làng quê đặc
sắc “Nam bộ trong lòng xứ Quảng” đồng thời là điểm đến quan trọng trong mạng
lưới du lịch Quảng Nam, với các hoạt động du lịch gắn liền với bảo vệ môi
trường thiên nhiên và giữ gìn cân bằng sinh thái. Mục tiêu của đồ án quy hoạch
là phát huy thế mạnh để khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái kết
hợp tìm hiểu bản sắc làng quê Việt, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống làng
quê, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, làm cơ
sở quản lý và đầu tư xây dựng theo quy hoạch đồng thời gắn kết với các khu vực
du lịch văn hóa - lịch sử lân cận như Hội An, Duy Xuyên.
Làng du lịch sinh thái Đại Bình được chia thành 2 khu chức năng:
Khu vực làng xóm hiện hữu bao gồm khu ở chỉnh trang, công trình
công cộng khu ở, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được định hướng là khu vực
bảo tồn và các giá trị vốn có của Đại Bình như các nhà vườn trái cây, nhà cổ
ông Bá, Tín, hát đối đáp, hát bộ, khôi phục khẩu súng thần công tại căn cứ lịch
sử Tân Tỉnh của danh nhân Nguyễn Duy Hiệu trong thời kỳ chống Pháp, các hàng
chè tàu, lũy tre làng, núi Cấm,...
Khu vực phát triển mới bao gồm khu dân cư mới, khu dịch vụ du
lịch, khu du lịch tâm linh, khu nông lâm nghiệp được bố trí về phía Tây của
làng hiện hữu. Định hướng phát triển khu vực đầu làng thành khu vực đón tiếp,
trưng bày sản phẩm kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn và ẩm thực. Khu vực núi Cấm
được tổ chức thành khu du lịch tâm linh với các hoạt động gắn với vườn thuốc
Nam chữa bệnh... Khu nông nghiệp trồng trọt các loại cây phục vụ phát triển làng
nghề trồng dâu nuôi tằm, dó Trầm Hương, rau sạch,...

Ngoài ra, để đa dạng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, làng
du lịch sinh thái Đại Bình còn tổ chức các tuyến, điểm du lịch bao gồm “5 trọng
điểm và 4 tuyến cảnh quan”:
+ 5 trọng điểm: Bến đò Đại Bình; Các vườn cây trái; Trung tâm
làng; Khu Tâm linh + Vườn thuốc Núi Cấm; Cửa ngõ đầu làng phía Tây.
+ 4 tuyến cảnh quan: Đường chè Tàu; Đường ven sông; Trục thương
mại; Đường bao phía Tây.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được định hướng phát
triển đồng bộ giữa khu cũ và khu phát triển mới. Hệ thống giao thông tiếp cận
được tổ chức thành 2 khu vực: đường thủy tại bến đò Trung Phước, đường bộ tại
khu vực đầu làng. Điện, nước được cung cấp đầy đủ, đảm bảo công suất đến các
khu chức năng. Hệ thống thoát nước thải được đưa về trạm xử lý nước thải của đô
thị Trung Phước để xử lý. Các nghĩa trang hiện tại được tiến hành khoanh vùng
quản lý và quy hoạch khu nghĩa địa tại gò Ông Chống, quy mô khoảng 2ha nằm
ngoài ranh giới quy hoạch phục vụ cho việc chôn cất của người dân.
Đồ án được duyệt là cơ sở hết sức quan trọng cho phát triển du
lịch sinh thái kết hợp tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống làng quê ven
sông Thu Bồn để vừa phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, vừa góp phần bảo tồn,
phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa, cảnh quan đặc thù của làng quê Xứ
Quảng ./.
Tin bài: KTS. Nguyễn Bảo Long