Ngày 18/02/2016, Quy hoạch chung xây dựng (1/2.000) Cửa khẩu phụ
Tây Giang giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê
duyệt và ban hành quy định quản lý xây dựng tại Quyết định số 604/QĐ-UBND. Quy
hoạch này do Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu thuộc BQL Khu công nghiệp tỉnh
Quảng Nam làm chủ đầu tư và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam là cơ
quan tư vấn lập đồ án.
Cửa khẩu phụ Tây Giang thông với nước bạn Lào có vị trí quan trọng
về an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía
Tây tỉnh Quảng Nam. Chức năng chính là kiểm soát các hoạt động dịch vụ xuất
nhập cảnh, tạm nhập, tái xuất hàng hóa, đồng thời tổ chức các hoạt động thương
mại, dịch vụ, phát triển dân cư mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
kết hợp với giữ vững ổn định an ninh, chính trị khu vực biên giới.
Cơ cấu tổ chức không gian Cửa khẩu phụ Tây Giang bao gồm 04 phân
khu:
- Phân khu I: Phân khu kiểm soát; quy mô khoảng 42,24ha, từ khu
vực trụ sở hành chính cửa khẩu đến cột mốc 692;
- Phân khu II: Phân khu thương mại, dịch vụ; quy mô khoảng
31,93ha, dân số khoảng 220 người, từ hết khu vực hành chính cửa khẩu thuộc Phân
khu I đến giáp khu dân cư hiện hữu thôn Ch’Noc;
- Phân khu III: Phân khu ở; quy mô khoảng 30,82ha, dân số khoảng
900 người, từ hết khu đất hỗn hợp thuộc Phân khu II đến hết khu công viên trung
tâm;
- Phân khu IV: Khu vực cửa ngõ phía Nam; quy mô
khoảng 55,12 ha, dân số khoảng 380 người, từ hết khu công viên trung tâm thuộc
Phân khu III đến hết ranh giới quy hoạch.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được định hướng phát triển đồng bộ,
cụ thể như sau:
Quy hoạch giao thông: Giao
thông đối ngoại là tuyến đường trục chính kéo dài tuyến ĐT606 theo đường ĐH1.TG
qua cửa khẩu phụ Tây Giang đi nước bạn Lào; Giao thông nội bộ bao gồm đường
trục chính, các đường liên khu vực, đường khu vực,…; Bãi đỗ xe công cộng có
diện tích 1.005m2.
Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật: San nền chủ yếu cục bộ theo từng khu
đất, độ dốc nền xây dựng 0,002 < id < 0,05, độ dốc đường tối đa 11%;
Thoát nước gồm ba hướng chính về phía Đông, Tây Nam, Tây Bắc.
Cấp nước: Sử dụng nguồn nước từ khe suối của sông Bung; Mạng lưới
cấp nước sử dụng mạng vòng và mạng hở kết hợp; Hệ thống đường ống dẫn nước sử
dụng ống HDPE, đi ngầm, đường kính ống từ 50mm - 200mm, độ sâu chôn ống tối
thiểu 0,5m, bố trí dọc theo các tuyến giao thông.
Cấp điện: Nguồn điện được lấy từ Nhà máy thủy điện Tr’Hy. Hệ thống
cấp điện bao gồm lưới điện trung thế 22kV: Tuyến đường dây 22kV xây mới sử dung
cột BTLT và cột sắt; Trạm biến áp: Giai đoạn 2015 - 2020 xây mới 01 trạm biến
áp kiểu treo, công suất 630kVA-22/0,4kV; giai đoạn 2020 - 2030 xây mới 01 trạm
biến áp kiểu treo, công suất 630kVA-22/0,4kV; Lưới điện hạ thế 0,4kV: xây dựng
mới đường dây hạ thế 0,4kV cấp điện cho khu vực, sử dụng cột BTLT và cột sắt
cao từ 8,4m ÷ 10,5m, dây dẫn sử dụng cáp vặn xoắn ABC (4x...)/600V.
Quy hoạch xử lý thoát nước bẩn: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng
hoàn toàn đối với khu vực dân cư mới và khu vực chưa có hệ thống thoát nước;
Nước thải sinh hoạt và dịch vụ phải được xử lý bằng bể phốt tại từng hộ gia
đình, từng công trình công cộng đạt tiêu chuẩn mới thải vào cống thoát nước
bẩn; Xây dựng các trạm bơm cưỡng bức tại các khu vực có cao độ thấp để vận
chuyển nước thải về khu xử lý tập trung; Xây dựng 1 trạm xử lý nước thải giai
đoạn đầu công suất 350 m3/ngđ, giai đoạn sau nâng thành 1.000 m3/ngđ.
Quy hoạch quản lý chất thải rắn: Bố trí các container dung tích
1m3 trên các tuyến đường có khoảng cách 100m, theo định kỳ xe chuyên dùng sẽ
thu gom và vận chuyển đến khu xử lý; Sử dụng khu xử lý chất thải rắn của xã tại
thôn Achoong, quy mô khoảng 0,5ha, công nghệ xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh và
chế biến chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh.
Quy hoạch được duyệt là cơ sở hết sức quan trọng
để triển khai hoạt động đầu tư xây dựng nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế xã
hội của huyện Tây Giang, nói riêng và Cụm Tây Bắc của Hành lang kinh tế phía
Bắc của tỉnh Quảng Nam, nói chung trong thời gian đến.
Tin bài: KTS. Nguyễn Bảo Long