Ngày 5.11, Sở Xây dựng tỉnh Quảng
Nam tổ chức cuộc họp thông qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng thị trấn
Hà Lam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của các Sở
Ban Ngành hữu quan của Tỉnh; Lãnh đạo và các phòng ban huyện Thăng
Bình; đại diện địa phương khu vực lập quy hoạch. ThS.KTS. Hoàng Văn
Sừ, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp.
Đồ án do Viện Quy hoạch đô thị và
nông thôn Quảng Nam tổ chức thực hiện với đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư giàu kinh
nghiệm, năng lực, với nỗ lực cao độ trên tinh thần khoa học và tư duy sáng tạo.

Sau nhiều lần báo cáo thông qua
tại Huyện và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức, cá
nhân, đến nay, đồ án đã cơ bản được hoàn thiện. Theo đó, định hướng xây dựng
đô thị Hà Lam thành một đô thị xanh, với cấu trúc đa trung tâm, và trở
thành đô thị loại IV vào năm 2020. Trong mối liên hệ vùng, vai trò của đô
thị Hà Lam là điểm giao của các mối quan hệ cấu trúc chiến lược phát
triển theo trục Bắc - Nam của Quy hoạch vùng Đông và hành lang liên
kết Đông - Tây của Quy hoạch vùng Tây tỉnh Quảng Nam.

Đô thị Hà Lam được hình thành
từ khá sớm gắn với lịch sử hình thành và phát triển của huyện
Thăng Bình, đóng vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa,
giáo dục... của huyện. Quy mô đô thị hiện tại khoảng 185 ha với các
khu chức năng hình thành dựa trên trục xương sống chủ yếu là tuyến
nội thị 613 nối từ khu vực ngã tư Hà Lam về phía ngã ba Bình Quý,
kéo dài chưa đầy 3km. Với cấu trúc theo dạng tuyến và quá phụ thuộc
vào đồng lực chính là tuyến nội thị 613, đô thị Hà Lam đang bị co
cụm và dần bị nêm chặt vào khuôn 185 ha, là phạm vi khu vực nội thị
đã được xác định từ năm 2004. Không gian đô thị Hà Lam được ví như
tấm áo đã chật so với một cơ thể của một thanh niên đang tuổi trưởng
thành.
Theo đó, đồ án quy hoạch chung
đã xác định, hướng phát triển của đô thị Hà Lam về phía Nam trên cơ
sở phát triển mở rộng dần từ khu vực nội thị hiện hữu. Phát triển
các động lực mới là các trục kéo từ khu vực nội thị về phía Nam,
bao gồm: tuyến quốc lộ 1A; tuyến Nội thị đi quốc lộ 14E; tuyến 16C.
Trên cơ sở đó, hình thành các khu chức năng mới cho đô thị, dần dần
hình thành và ổn định cấu trúc đa trung tâm, bao gồm: (1) Khu vực trung
tâm đô thị cũ; (2) Khu trung tâm đô thị mới; (3) Khu trung tâm thương mại - dịch vụ hỗn hợp cấp Vùng; (4) Và các trung tâm khác: Trung tâm TDTT, khu
dân cư, các cụm công nghiệp... Quy hoạch cũng xác định dần dịch chuyển trung
tâm hành chính của huyện Thăng BÌnh từ khực nội thị về phía Nam, tại
khu trung tâm đô thị mới để tạo ra sự liên kết và động lực phát triển mới
cho khu đô thị Hà Lam.
Một số ý kiến của các đại biểu tại
cuộc họp cho rằng quy hoạch đã đạt được phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn
thiên nhiên, sử dụng đất tiết kiệm, khai thác hài hòa, rất phù hợp với điều
kiện tự nhiên tại khu vực, tuy nhiên cần cập nhật thêm số liệu để dự báo quy
hoạch hoàn chỉnh thêm. Cập nhật và thống nhất số liệu với quy hoạch
định hướng phát triển KTXH của huyện đang được lập và kiến nghị
điều chỉnh niên độ quy hoạch đến năm 2020 và 2025, tầm nhìn 2030 nhằm
phù hợp với năng lực phát triển của đô thị Hà Lam.

Kết luận cuộc họp, Phó giám đốc Sở
Xây dựng Hoàng Văn Sừ đánh giá Đồ án quy hoạch chung thị trấn Hà Lam được
thực hiện công phu và tâm huyết nên đạt chất lượng tốt trên cơ sở tiếp thu
đầy đủ các ý kiến đóng góp, thực hiện tốt các nội dung theo quy định và
định hình rõ định hướng phát triển không gian đô thị Hà Lam. Yêu cầu
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam tiếp tục tiếp thu các ý kiến
đóng góp tại cuộc họp, hoàn chỉnh đồ án để trình Sở Xây dựng thẩm
định trước ngày 15 tháng 11 năm 2013 và trình Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Nam phê duyệt ./.
Tin bài: ThS. KTS. Bùi Anh Tuấn