TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Thứ năm, 18/04/2024
TIN TỨC
Tham luận Hội thảo “DỰ BÁO VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

Tham luận Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển VLXD Quảng Nam”

 

DỰ BÁO VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ThS. Lê Tú - KS. Lê Hùng Sơn - CN. Lê Thị Mậu Ngọ

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam

 

 

TỔNG QUAN


Trong những năm qua, Quảng Nam đã có sự chuyển biến khá mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước.


TL Vien 1.jpg


Cùng với sự phát triển của Tỉnh, ngành VLXD cũng có những bước tiến không ngừng, đáp ứng được một phần nhu cầu xây dựng trong Tỉnh và cung ứng một số sản phẩm sang các địa phương lân cận. Các chủng loại VLXD do Quảng Nam sản xuất được như gạch xây, đá, cát, sỏi xây dựng, vật liệu lợp, đá ốp lát, bê tông, kính,… với sản lượng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành sản xuất VLXD vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục như: Phát triển sản xuất VLXD chưa có quy hoạch,  chưa được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là trong khai thác đất sét sản xuất gạch ngói và đá, cát, sỏi; Phần lớn các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, chưa đa dạng hoá mặt hàng và mở rộng thị trường ra bên ngoài; Công nghệ sản xuất VLXD còn lạc hậu, chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao; Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên.

  Trong giai đoạn tới, với sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cùng với tiến trình đô thị hóa đi đôi với phát triển nông thôn mới, sự phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở của nhân dân, nhu cầu VLXD Quảng Nam sẽ ngày càng tăng và đòi hỏi đa dạng hơn, chất lượng cao hơn.

Để ngành VLXD của Quảng Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xây dựng của Tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cung ứng một phần các loại VLXD khác cho các địa phương lân cận, việc đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Nội dung tham luận “Dự báo và giải pháp phát triển VLXD Quảng Nam”:

* Phần 1: Bức tranh toàn cảnh về hiện trạng sản xuất VLXD Quảng Nam

* Phần 2: Các tiềm năng - lợi thế - hạn chế trong sản xuất VLXD Quảng Nam

* Phần 3: Dự báo xu hướng thị trường và nhu cầu VLXD Quảng Nam

* Phần 4: Quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển VLXD Quảng Nam

* Phần 5: Đề xuất một số giải pháp phát triển sản xuất VLXD Quảng Nam

  

Phần thứ nhất

BỨC TRANH TOÀN CẢNH VỀ HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT VLXD QUẢNG NAM


1. Tổng quan về hiện trạng sản xuất VLXD tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam là một trong những tỉnh có ngành sản xuất VLXD tương đối phát triển, đã sản xuất được phần lớn các chủng loại VLXD, như: xi măng, gạch ngói nung và không nung, gạch lát, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông, kính xây dựng... với sản lượng hàng năm tương đối lớn và chất lượng ngày càng được cải thiện. Tổng số có khoảng 82 cơ sở sản xuất VLXD.

Giá trị sản xuất VLXD tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2012

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Lĩnh vực

2008

2009

2010

2011

2012

1

Khai thác đá, cát, sỏi,...

170

242

432

1.108

633

2

Sản xuất VLXD

1.297

1.587

2.338

2.542

2.778

 

Tổng cộng

1.467

1.829

2.770

3.650

3.411

+ Ngành VLXD có tốc độ tăng trưởng rất cao lên đến 23,5%/năm, từ năm 2008 đến năm 2012 đã tăng gấp gần 2,5 lần.

+ Chiếm tỷ trọng trên 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh (năm 2012) và có xu hướng tăng dần.

+ Đây cũng là ngành công nghiệp có giá trị sản xuất đứng thứ nhì toàn Tỉnh (chỉ xếp sau ngành sản xuất, sửa chữa xe có động cơ). 


TL Vien BD.jpg

Biểu đồ tăng trưởng ngành VLXD Quảng Nam giai đoạn 2008-2012


Tổng hợp sản lượng VLXD Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2012

TT

Chủng loại

Đơn vị

2008

2009

2010

2011

2012

Tốc độ tăng b/q

hàng năm

1

Gạch nung

Tr.viên

850,4

1.021

1.288

1.186

1.260

10,3%

2

Gạch không nung

Tr.viên

36

42

44

46

50

8,6%

3

Ngói nung

1000m2

5.136

5.227

5.455

5.500

5.500

1,7%

4

Ngói Xi măng

1000m2

43

48

50

54

66

11,3%

5

Tấm lợp FiboXM

1000 m2

130

143

156

164

170

6,9%

6

Đá xây dựng

1000 m3

141

387

516

727

960

61,5%

7

Cát xây dựng

1000 m3

1.379

270

519

3.458

1.629

4,3%

8

Gạch ốp lát

1000 m2

4.899

4.737

5.266

5.105

5.238

1,7%

 

2. Một số đánh giá sơ bộ về hiện trạng sản xuất VLXD Quảng Nam

2.1- Về chủng loại sản phẩm

Đã sản xuất được khá nhiều chủng loại sản phẩm VLXD như: xi măng, vật liệu xây nung và không nung, vật liệu lợp, bê tông, cát, đá xây dựng, vôi,... Một số sản phẩm VLXD thông dụng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn và cung ứng cho các tỉnh khác. Ngoài ra Quảng Nam đã có các cơ sở sản xuất VLXD trang trí hoàn thiện có giá trị kinh tế cao như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng.

2.2 - Về công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm


TL Vien 2.jpg


Trình độ công nghệ sản xuất VLXD nói chung cơ bản đạt yêu cầu so với mặt bằng chung của cả nước. Hiện nay toàn tỉnh không còn sản xuất gạch thủ công, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số công nghệ sản xuất VLXD chưa tương xứng, gây ô nhiễm môi trường, cụ thể đối với từng chủng loại VLXD như sau:

+ Gạch nung bằng lò tuy nen: Các cơ sở gạch tuy nen được đầu tư đồng bộ từ khâu chế biến nguyên liệu, khâu tạo hình, sân cáng kính, sấy nung nên thường đạt gấp đôi công suất thiết kế, sản phẩm đạt chất lượng tốt. Quy mô sản xuất lớn, liên tục; điều chỉnh được nhiệt độ nung bằng cách tăng giảm lượng than qua lỗ tra than; mức độ cơ giới hóa cao, năng suất cao.

  + Gạch nung bằng lò đứng nung liên tục: Lò liên tục kiểu đứng có buồng đốt đặt theo chiều thẳng đứng, gạch di chuyển từ  trên xuống dưới. Mức độ cơ giới hoá tương đối cao, giảm được lao động nặng nhọc; tiết kiệm nhiên liệu đến 45% so với lò thủ công truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy mô sản xuất và vốn đầu tư phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài thì việc phát triển lò này vẫn chưa phù hợp chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành VLXD, sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý.


TL Vien 3.jpg


+ Gạch không nung: Những cơ sở có quy mô công suất lớn, công nghệ thiết bị đồng bộ, tự động hoá cao, nhập của nước ngoài do đó sản phẩm gạch block đạt chất lượng tốt. Những cơ sở tư nhân tại các huyện dùng thiết bị bán cơ giới do trong nước chế tạo hoặc của Trung Quốc nên chất lượng sản phẩm không đều.

+ Vật liệu lợp: Các cơ sở sản xuất ngói nung tuy nen, ngói không nung, tấm lợp kim loại được đầu tư đồng bộ, dây chuyền công nghệ khá tiên tiến và tự động hoá một phần. Sản phẩm vật liệu lợp của Quảng Nam có chất lượng cao là ngói không nung, đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường.

+ Đá xây dựng: Công nghệ khai thác và chế biến đá của Việt Nam, thiết bị nghiền sàng tự động hoá. Quy mô công suất các cơ sở > 60.000 ngàn m3/năm, khai thác quy mô nhỏ, cơ giới hoá 100%, theo phương pháp nổ mìn, đá xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho xây dựng.

+ Cát xây dựng: Các cơ sở khai thác cát thường có quy mô từ 5.000 - 50.000 m3/năm, với nhiều thiết bị chuyên dụng như máy xúc, gầu xúc, ủi, tàu hút lớn. Các cơ sở khai thác cát trái phép chủ yếu dùng tàu hút bùn để hút cát lên thuyền, vận chuyển đến bãi chứa hoặc hút trực tiếp lên bãi chứa trên bờ, sản lượng khai thác hạn chế.

+ Bê tông cấu kiện: Sản xuất bê tông cấu kiện với công nghệ ly tâm, va rung,... trạm trộn bê tông thương phẩm tự động hoá 100% của các nước tiên tiến. Sản phẩm bê tông cấu kiện cột điện, ống cống... của các cơ sở đều đạt chất lượng tốt theo đúng tiêu chuẩn quy định. 

2.3 - Về phân bố các cơ sở sản xuất


TL Vien 4.jpg


Phân bố sản xuất VLXD trên địa bàn Quảng Nam chủ yếu tập trung tại các huyện có nguồn nguyên liệu và giao thông thuận lợi như huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên:

- Sản xuất xi măng tại huyện Nam Giang.

- Sản xuất gạch, ngói nung tập trung nhiều nhất tại các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Phú Ninh.

- Sản xuất gạch không nung quy mô lớn tại Điện Bàn, Núi Thành.

- Sản xuất vật liệu lợp tại các huyện Điện Bàn, Phú Ninh.

- Khai thác đá xây dựng tại huyện Núi Thành, Đại Lộc, Phú Ninh, Nam Giang, Đông Giang, Quế Sơn, Bắc Trà My.

- Khai thác cát xây dựng tại các tuyến sông Tranh, sông Thu Bồn, sông Ly Ly, sông Trường Giang, sông A Vương, sông Voi, sông Vu Gia.

- Đất san lấp mặt bằng tại các huyện Phú Ninh, Đại Lộc.

2.4. Về tác động môi trường

Trong giai đoạn vừa qua các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn Quảng Nam đã có chuyển biến tích cực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với từng loại hình sản xuất như sau:

Sản xuất gạch ngói nung: Hầu hết trên địa bàn tỉnh là các cơ sở gạch tuy nen cơ bản đáp ứng các vấn đề về môi trường, có cơ sở đã ứng dụng công nghệ xử lý khói thải lò nung. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa xử lý được bụi bẩn, hạ tầng đường giao thông không đảm bảo. Một số địa phương vẫn còn các cơ sở tư nhân sản xuất gạch nung nhỏ lẽ gây ô nhiễm môi trường, xâm hại đến đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến cây trồng, đời sống nhân dân, mất an toàn lao động.

Khai thác đá xây dựng: hoạt động khai thác đá xây dựng gây ô nhiễm môi trường do các công đoạn nổ mìn, nghiền, bốc xúc, vận chuyển đá. Khai thác đá gây ô nhiễm lớn về bụi, tiếng ồn tại khu vực khai thác, gây hư hỏng đường giao thông và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái. Trong quá trình khai thác đá đã sử dụng thiết bị phun nước tại các khâu nghiền, bốc xúc và vận chuyển đá.

Khai thác cát: Tại Quảng Nam khai thác cát trái phép trên sông chưa được giải quyết triệt để, là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến vận tải thuỷ, đê điều, ô nhiễm nguồn nước. Hoạt động khai thác cát thường xuyên được kiểm tra, định kỳ quan trắc và phân tích thành phần các chất thải độc hại.    

2.5- Về công tác quản lý Nhà nước

Công tác quản lý sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn qua đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.

Tỉnh đã thực hiện cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy trình và quy định của Luật Khoáng sản, thông tư của Chính phủ. Các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân trong việc triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra theo định kỳ, để từ đó có những giải pháp, đề xuất, kiến nghị kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất VLXD.

Tuy nhiên, trong quản lý sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản làm VLXD vẫn còn một số bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành: Tại một số huyện việc phối kết hợp giữa các phòng như Tài nguyên môi trường, Kinh tế hạ tầng và UBND các xã trong công tác quản lý nhà nước về VLXD chưa đồng bộ và chưa chặt chẽ; Một số hoạt động sản xuất VLXD ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và đời sống nhân dân đã gây bức xúc trong dư luận như khai thác cát trái phép, khai thác đất sét gạch ngói.

Từ những kết quả đã đạt được trong sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản làm VLXD ở Quảng Nam trong giai đoạn vừa qua cho thấy:

- Ngành sản xuất VLXD của Quảng Nam đã có chuyển biến tích cực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước tiếp cận với trình độ công nghệ chung của cả nước và trên thế giới.

- Sản xuất VLXD đã tạo ra nguồn hàng ổn định đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng của tỉnh và mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

- Sản xuất VLXD đã phát huy và tận dụng được tiềm năng về tài nguyên khoáng sản sẵn có mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, ngành sản xuất VLXD của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần có chiến lược về thị trường và định hướng cụ thể về phát triển sản xuất VLXD để có thể thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực vào sản xuất, phát huy tiềm năng khoáng sản để sản xuất VLXD góp phần phát triển KTXH.

Phần thứ hai

CÁC TIỀM NĂNG - LỢI THẾ - HẠN CHẾ

TRONG PHÁT TRIỂN VLXD QUẢNG NAM


I. NGUỒN TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN LÀM VLXD

1. Vật liệu xây dựng thông thường

1.1. Đá xây dựng


TL Vien 5.jpg


Quảng Nam có nguồn tài nguyên đá xây dựng rất dồi dào nhờ vào địa chất nhiều khu vực được cấu thành từ các trầm tích biến chất cao và các phức hệ đá mac-ma cứng chắc. Tiềm năng lớn nhất về đá xây dựng tập trung chủ yếu ở các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, ngoài ra còn có một số  nơi có trữ lượng nhỏ hơn như Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang. Đá xây dựng tại đây đa số có cường độ kháng nén cao, đạt hơn 1.000 KG/cm2, độ mài mòn thấp, độ dẻo cao, độ bám nhựa tốt, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng Việt Nam trong xây dựng công trình kiên cố. Điều kiện khai thác thuận lợi, hầu hết gần các trục đường giao thông nên vận chuyển dễ dàng. Trữ lượng huy động vào khai thác đạt 50~60 tỷ m3.

1.2. Cát - sỏi xây dựng

Tiềm năng cát, sỏi xây dựng ở Quảng Nam rất dồi dào bởi có nhiều sông lớn và các hệ thống sông thứ cấp khá phát triển trên nền đá gốc cứng chắc và các thành tạo đá mac-ma giàu khoáng vật thạch anh. Cát, sỏi xây dựng thường phân bố chủ yếu ở các bãi bồi, thềm sông lớn và ngay cả giữa lòng sông như các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tranh, Trường, Cái, Tam Kỳ,… thuộc các huyện đồng bằng và trung du, núi thấp. Diện tích phân bố có quy mô khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện thành tạo, địa hình và tốc độ dòng chảy, độ uốn lượn của dòng sông. Mỗi bãi cát, sỏi thường dài từ vài trăm đến 1000m, chiều rộng từ 100 đến 300m. Chất lượng cát tốt, thành phần chủ yếu là thạch anh cỡ hạt khá đồng đều (1~2mm), cát sạch, độ chọn lọc tốt. Hiện nay, cát sỏi xây dựng ở Quảng Nam là nguồn cung cấp chính cho các công trình xây dựng trong Tỉnh và các địa phương lân cận.

1.3. Sét gạch ngói

Sét gạch ngói trên địa bàn tỉnh thuộc thành tạo trầm tích sông-biển, hoặc thềm sông cổ có bề dầy tầng sét thường lớn (5~7m), chất lượng tốt, độ dẻo cao, được phân bố rộng rãi ở vùng đồng bằng và trung du. Tuy nhiên, phạm vi phâm bố thường nằm trong hoặc xen lẫn với diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc đưa các khu vực sét vào khai thác là nên hạn chế và cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Các mỏ sét hiện đang được khai thác tại Quảng Nam thường là những khu vực cấy lúa một vụ, kém hiệu quả hoặc các chân ruộng cao, sát núi, khô hạn không canh tác được. Ngoài ra, sét nguồn gốc phong hoá cũng là tiềm năng to lớn để sản xuất gạch ngói. Loại hình này thường phân bố trên các gò, đồi thấp, địa hình dạng bát úp phát triển trên nền đá phiến sét bị phong hoá triệt để ở ven đồng bằng và trung du núi thấp. Bề dầy khai thác đạt 10~12m. Hiện nay, các cơ sở sản xuất thường lấy hai loại sét này trộn lẫn để làm gạch, chất lượng sản phẩm được thị trường chấp nhận.

1.4. Laterite

Laterrite là sản phẩm phong hoá triệt để của các thành tạo trầm tích biến chất cổ giầu sắt trong môi trường ẩm ướt thuộc hệ tầng Khâm Đức và A Vương tại các khu vực có địa hình gò đồi thấp (Tam Quang, Tam Anh, Tam Phú, Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành). Tổng trữ lượng của laterite đạt 50 triệu m3. Hiện có 5 khu vực đang được nhân dân địa phương thường xuyên khai thác nhỏ ở quy mô hộ gia định làm VLXD.

1.5. Đá ốp lát

Tiềm năng về đá ốp lát ở Quảng Nam là rất lớn bới có nhiều khối và phức hệ mac-ma được hình thành cho ra những sản phẩm đá ốp lát đa dạng về mầu sắc, vân hoa đẹp nên có giá trị thương phẩm cao. Điển hình cho đá ốp lát chủ yếu là: Granite gneiss thuộc phức hệ Chu Lai (Núi Thành); Granite mầu hồng nhạt, xám xanh thuộc phức hệ Bến Giàng - Quế Sơn (Duy Xuyên, Quế Sơn); Granit gneiss dạng mắt thuộc phức hệ Đại Lộc (Đại Lộc); Ga-brô màu đen thuộc phức hệ Bolkol (Đông Giang).

2. Nguyên liệu xi măng

2.1. Đá vôi xi măng

Đá vôi xi măng ở Quảng Nam phân bố khá nhiều. Đáng chú ý và có ý nghĩa kinh tế hơn cả là ở Thạnh Mỹ (Nam Giang) và A Sờ (Đông Giang), đây là các thấu kính lớn, tạo thành dãy núi cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng với các hàm lượng trung bình như sau: CaO: 45-51%, MgO: 1,03%,  SiO2: 3,7-4,5%, Al2O3+Fe2O3:0,3-3,1%. TNDB của hai khu vực này là: 558 triệu tấn. Đá vôi ở Lâm Tây (Đại Lộc) có quy mô nhỏ, nằm dưới trầm tích đệ tứ và trong vùng dân cư đông đúc nên không thuận lợi cho khai thác. Ngoài ra còn một số nơi xuất hiện đá vôi dưới dạng sót lại, quy mô nhỏ bé, ít có ý nghĩa cho khai thác, sử dụng (sông Ly Ly, Trà Dương (Bắc Trà My)).

2.2. Sét xi măng

Loại sét này phân bố rất hạn chế. Gồm hai khu vực:

- Sét An Điềm: Có nguồn gốc trầm tích aluvi thềm sông. Chiều dầy lớn: 0,3~11m. Chất lượng tốt với: Độ dẻo 9,84-25,11; Si: 2,41;Al: 2,37; SiO2: 63%; Al2O3: 17,85%;Fe2O3: 5,48%. Trữ lượng cấp C1+C2: 8,76 triệu m3.

- Sét Tân Đợi (xã Đại Sơn): Có nguồn gốc phong hoá từ đá phiến sét, bột kết của hệ tầng Thọ Lâm. Sản phẩm sét dầy 5-10 mét. TNDB: 2,97 triệu m3.

3. Nguyên liệu sứ - gốm - thuỷ tinh

3.1. Felspat

Phân bố rải rác ở một số nơi trên địa bàn Tỉnh, thường liên quan tới các mạch, đới mạch pecmatit hoặc các thể đá mac-ma bị felspat hoá mạnh mẽ. Tuy nhiên, felspat có ý nghĩa khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu ở khu vực Nam dãy núi Sơn Gà (Đại Lộc) và Tiên Hiệp (Tiên Phước). Quặng felspat chính là các hệ mạch fecmatít rất giầu các tinh thể felspat (chiếm tới 60~70%) còn lại là thạch anh. Các mạch thường lớn, chiều dầy đạt hàng chục mét, kéo dài thành đới hàng chục km. Ở Tiên Hiệp, chúng là thể granit phức hệ Đại Lộc bị felspat hoá mạnh mẽ nên chứa rất nhiều ban tinh felspat lớn, màu trắng đục (đang thăm dò). TNDB ở Đại Lộc đạt: 2,23 triệu m3.

3.2. Cao lanh

Phân bố rải rác ở nhiều địa phương trong Tỉnh và phổ biến hơn felspat. Tồn tại dưới hai dạng: dạng mạch và dạng phong hoá, tái trầm tích. Trong 16 điểm mỏ được phát hiện chỉ có 5 điểm có giá trị và được thăm dò đánh giá trữ lượng, hiện 1 mỏ đang được khai thác, sử dụng (Phú Toản-Hiệp Đức, trữ lượng 1 triệu tấn). 4 mỏ được thăm dò đều ở dạng phong hoá, tái trầm tích của vỏ phong hoá đá granit giầu cao lanh thuộc phức hệ Bến Giàng - Quế Sơn. Trữ lượng cấp C1+C2: 2,4 triệu tấn.

3.3. Cát trắng

Đây là loại khoáng sản có tiềm năng to lớn của tỉnh. Cát trắng phân bố chủ yếu ở khu vực ven biển, tạo những dải cát trắng từ Quế Phú xuống các xã ven biển huyện Thăng Bình vào đến các xã Tam Hiệp, Tam Nghĩa của huyện Núi Thành. Chiều dài của dải cát khoảng 40 km, chiều rộng 1~6 km. Cát trắng hầu hết đã được thăm dò sơ bộ để đánh giá trữ lượng, một số khu vực được cấp phép thăm dò và khai thác từ nhiều năm nay. Chất lượng cát tốt, hàm lượng SiO2 đều đạt từ 95% trở lên, ít tạp chất. TNDB: 300 triệu m3, trong đó cấp B+C1+C2: 77,6 triệu m3.

II. NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG

Quảng Nam có lượng dân số khá đông đảo vào khoảng 1.435.000 người (năm 2011) với tốc độ tăng chung dân số bình quân hàng năm trong giai đoạn 2007~2011 là 3,7‰ (trong đó tỷ lệ tăng tự nhiên giảm dần từ 11,60‰ vào năm 2007 xuống còn 8,55‰ vào năm 2011).

Với 81% dân số sinh sống ở nông thôn (1.161.928 người), Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa là 19% với dân số thành thị là 273.072 người, tốc độ đô thị hóa khá chậm, chỉ tăng khoảng 0,26%/năm trong 5 năm qua, đây cũng là mức tăng khá thấp so với mức bình quân toàn quốc.

Lực lượng lao động tỉnh Quảng Nam khá dồi dào với trên 917.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 64% dân số toàn tỉnh) tiệm cận với cơ cấu Dân số vàng. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 830.700 người (Nông lâm thủy sản 57,12%, Công nghiệp - Xây dựng 19,43%, Dịch vụ 23,45%). Lao động khu vực ngoài Nhà nước chiếm 92,6%, khu vực Nhà nước chiếm 7,68%, khu vực đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,72%. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị trong năm 2011 là 4,8%, cao hơn cả nước (4,43%).

Chất lượng nguồn lao động đang được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 30% tổng số lao động, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là gần 18.000 người.

Dự kiến tốc độ tăng dân số Quảng Nam giai đoạn 2012-2015 là 0,5% và giai đoạn 2016-2020 là 0,7%. Như vậy, dân số Quảng Nam đến năm 2015 là 1.463.916 người và đến năm 2020 là 1.515.875 người. Số người trong độ tuổi lao động sẽ tăng từ 917.000 người vào năm 2011 lên khoảng 936.000 người (64% dân số) vào năm 2015 và 955.000 người (63% dân số) vào năm 2020.

Do chuyển dịch cơ cấu lao động, số lượng phi nông nghiệp sẽ tăng từ 356.204 người vào năm 2011 lên khoảng 515.000 người vào năm 2015 (trên 55% tổng số lao độngvà 573.000 người vào năm 2020 (ước 60% tổng số lao động).

Chất lượng nguồn lao động tiếp tục được nâng cao với mục tiêu tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 30% tổng số lao động năm 2011 lên 45% vào năm 2015. 

Sự gia tăng số lượng lao động, nhất là lao động phi nông nghiệp và nâng cao chất lượng lao động, cộng thêm cơ cấu dân số trẻ, tính cách cần cù, chịu khó của người dân xứ Quảng sẽ tạo nên nguồn lực lao động to lớn và hết sức quan trọng trong phát triển KTXH tỉnh Quảng Nam nói chung và phát triển ngành sản xuất VLXD tỉnh Quảng Nam nói riêng.

III. LỢI THẾ VÀ HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VLXD QUẢNG NAM

1. Các lợi thế trong phát triển sản xuất VLXD tỉnh Quảng Nam

* Vị trí địa lý kinh tế:

- Quảng Nam nằm trong khu vực giữa của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, tiếp giáp với trung tâm kinh tế lớn của Miền Trung là thành phố Đà Nẵng về phía Bắc và Khu kinh tế Dung Quất đang phát triển khá mạnh mẽ, nên có điều kiện thuận lợi để phát triển về kinh tế - xã hội, nói chung và phát triển sản xuất VLXD, nói riêng. Đây cũng là hai nơi tạo nên thị trường tiêu thụ sản phẩm rất lớn cho ngành VLXD Quảng Nam.

- Điều kiện giao thông tới các tỉnh trong vùng và các vùng khác trong cả nước rất thuận lợi bằng đường thuỷ, đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Ngoài ra, có thể xuất nhập khẩu hàng hóa ra nước ngoài khá thuận lợi qua các cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp, cửa khẩu Nam Giang trên địa bàn Tỉnh và cảng Tiên Sa thuộc Đà Nẵng.

- Do nằm sát với thành phố Đà Nẵng và có mối gắn bó truyền thống nên Quảng Nam có điều kiện giao lưu, sử dụng lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao của Đà Nẵng thành phố và kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và kinh tế tư nhân của Đà Nẵng vào đầu tư phát triển kinh tế của Tỉnh.

* Nguồn tài nguyên khoáng sản và nhân lực     (chi tiết xem phần trên)

- Tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở Quảng Nam có trữ lượng khá dồi dào đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất gạch, đá, cát, sỏi xây dựng, kính, xi-măng,... không  những cho nhu cầu của Tỉnh mà còn cung ứng một phần cho các tỉnh, thành lân cận.

- Nguồn nhân lực khá dồi dào với lực lượng trong độ tuổi lao động hiện tại chiếm 64% tổng dân số, đây là một tỷ lệ khá lớn so với nhiều tỉnh trong cả nước. Chất lượng nguồn lao động được chú trọng đầu tư nâng cao với để tăng nhanh tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 30% tổng số lao động năm 2011 lên 45% vào năm 2015. 

* Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật

   Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật của Quảng Nam tuy chưa đạt được trình độ phát triển cao nhưng đã hình thành khá đầy đủ từ giao thông đến cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông,... cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất VLXD trong giai đoạn đầu. Mạng lưới giao thông nội vùng và liên vùng khá đa dạng và tương đối thông suốt kết nối các địa phương trong Tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, nhà ga, bến xe trên đất liền có thể vận chuyển khá thuận lợi nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa của ngành VLXD. Việc cung ứng điện, nước, thông tin liên lạc,... cũng luôn được đáp ứng kịp thời đối với các hoạt động sản xuất VLXD trên địa bàn Tỉnh.

2. Các hạn chế trong phát triển sản xuất VLXD tỉnh Quảng Nam

- Quảng Nam nằm trong khu vực miền Trung có trình độ phát triển thấp hơn so với 2 cực phát triển ở miền Bắc và miền Nam và thấp hơn cả các địa phương lân cận nên tiềm lực kinh tế làm nền tảng cho phát triển VLXD còn yếu.

- Thị trường tiêu thụ tại chỗ còn hạn hẹp do thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2011 là 22,34 triệu đồng/năm thấp hơn so với cả nước là 27 triệu đồng/năm) cộng thêm tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao 20,9% vào năm 2011) nên sức mua còn thấp, nhu cầu xây dựng nhà ở chưa cao.

- Nguồn thu ngân sách trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển (giai đoạn 2007-2011 là 44.213 tỷ đồng, trong đó, trợ cấp từ Trung ương là 16.368 tỷ đồng), vì thế, việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nên lượng tiêu thụ VLXD trong lĩnh vực này tăng chậm.

- Lực lượng cán bộ KHKT trong các lĩnh vực sản xuất VLXD này vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành công nghiệp VLXD. Một số cơ sở sản xuất VLXD vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường. Thiếu nhiều chuyên gia có năng lực và kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất để có thể giải quyết các vấn đề nảy sinh trong sản xuất cũng như nghiên cứu về sự phát triển sản xuất VLXD trong tương lai.

- Diện tích có triển vọng khai thác khoáng sản làm VLXD thường bị chồng lấn với các quy hoạch khác như quy hoạch rừng, du lịch, công nghiệp, đô thị, hạ tầng,...  

- Tài nguyên khoáng sản làm VLXD tuy khá phong phú và đa dạng, tuy nhiên, nhiều điểm khoáng sản phân bố manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không thể tổ chức khai thác quy mô lớn, công nghiệp được. Công tác điều tra thăm dò đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD chưa được triển khai đầy đủ và rộng khắp trên toàn bộ không gian lãnh thổ cộng thêm việc đánh giá trữ lượng, chất lượng chưa đạt được mức độ đầy đủ và chính xác cao để làm chỗ dựa đáng tin cậy cho hoạch định chiến lược phát triển ngành VLXD.

Phần thứ ba

DỰ BÁO XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG VÀ NHU CẦU VLXD QUẢNG NAM ĐẾN 2020


I. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VLXD QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu VLXD của tỉnh Quảng Nam sẽ tăng nhanh về khối lượng, đa dạng, phong phú về chủng loại để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển KTXH. Thị trường VLXD Quảng Nam sẽ phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn tới bởi một số lý do sau: 

- Quy hoạch định hướng phát triển KTXH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 mở ra hướng phát triển xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước, cấp điện, trường học, bệnh xá, chợ, các thiết chế văn hóa, thể dục-thể thao,…), phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở dịch vụ,…; mở rộng và nâng cấp các hệ thống đô thị,… Dự kiến đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp và có GDP bình quân đầu người đạt mức trung bình cả nước.

- Sự phát triển xây dựng các nhà cao tầng, các cơ sở văn phòng, khách sạn, các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí,... không chỉ mang lại một thị trường rộng lớn cho sự phát triển ngành xây dựng mà còn thúc đẩy phát triển các sản phẩm VLXD cao cấp hơn, chất lượng hơn và có các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn.

- Việc xây dựng nhà ở mới và cải tạo nhà ở cũ của nhân dân khi đời sống được nâng cao cũng sẽ đòi hỏi một khối lượng lớn về VLXD và các chủng loại sản phẩm đa dạng hơn.

- Các chủ trương, chính sách về phát triển nông thôn của Đảng, Nhà nước, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm rút ngắn khoảng cách về KTXH giữa nông thôn và thành thị cũng là động lực quan trọng để VLXD Quảng Nam phát triển trong giai đoạn tới.

Căn cứ vào những lợi thế và hạn chế đối với việc phát triển sản xuất VLXD ở Quảng Nam như đã nêu ở phần trên, căn cứ vào tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh trong vùng, dự kiến khả năng phát triển các chủng loại VLXD ở Quảng Nam như sau:

- Vật liệu xây: Gạch xây thường là loại vật liệu đòi hỏi khối lượng lớn trong xây dựng và bản thân chúng có tỷ trọng nặng nên thuờng là phục vụ thị trường tại chỗ hoặc vận chuyển với cự ly ngắn thì mới có hiệu quả. Chính vì vậy việc phát triển sản xuất gạch xây cho thị trường trong tỉnh trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở Quảng Nam thường gây ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của nhân dân nên cần hạn chế và có sự tính toán kỹ lưỡng. Chính vì vậy, ngoài việc phát triển gạch nung theo công nghệ lò tuy nen, sẽ phải phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, vật liệu xây nhẹ, tấm 3D để thay thế một phần gạch nung.

- Vật liệu lợp: Phát triển đa dạng các sản phẩm vật liệu lợp như tấm lợp kim loại, tấm lợp nhẹ, tấm lợp cách âm, cách nhiệt, chống ồn, ngói xi măng cát chất lượng cao,...

- Đá xây dựng: Đá xây dựng cũng là loại vật liệu có tỷ trọng nặng nên củ yếu phục vụ thị trường có cự ly gần thì mới có hiệu quả. Quảng Nam có nguồn tài nguyên đá xây dựng lớn, nên trong những năm tới, khai thác đá xây dựng trong tỉnh cần được phát triển để phục vụ cho xây dựng trong tỉnh và cung ứng một phần cho các tỉnh, thành phố lân cận.

- Cát, sỏt xây dựng: Nguồn cát, sỏi tự nhiên ở Quảng Nam khá phong phú, chất lượng tốt, đủ để phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh và cung ứng cho các địa phương khác.

- Gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng: Cần phát huy hết công suất thiết kế ban đầu, đồng thời đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Xi măng: Thúc đẩy việc đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy xi-măng Thạnh Mỹ và mở rộng sản xuất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của Tỉnh và cung ứng cho thị trường trong nước.

- Khai thác chế biến cao lanh: Công nghiệp gốm sứ xây dựng ở nước ta giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển mạnh với nhu cầu vào năm 2020 khoảng 414 triệu m2 gạch ốp lát, 21 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 199 triệu m2 kính xây dựng đòi hỏi khối lượng cao lanh khoảng 1,5 triệu tấn/năm (không kể cho các ngành công nghiệp khác) nên nhu cầu phát triển khai thác chế biến cao lanh trong giai đoạn tới là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này của Quảng Nam có trữ lượng không lớn, cần tiếp tục tìm kiếm, đánh giá bổ sung.

- Đất san lấp mặt bằng: chủ yếu từ nguồn đất đồi núi để đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng các khu đô thị, khu dân cư, các công trình giao thông, thủy lợi, các khu, cụm công nghiệp,… 

- Ngoài ra, một số loại VLXD khác có thể phát triển ở Quảng Nam để phục vụ cho nhu cầu xây dựng như bê tông đúc sẵn, bê tông dự ứng lực, gạch lát terrazzo, đá ốp lát nhân tạo, vôi công nghiệp, vữa khô trộn sẵn, tấm nhựa, tấm xi măng cốt sợi, tấm thạch cao, vật liệu composite,...

II. DỰ BÁO NHU CẦU VLXD ĐẾN NĂM 2020

Để có thể Quy hoạch phát triển VLXD đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH thì cần phải dự báo được nhu cầu VLXD trong từng giai đoạn. Quảng Nam là một tỉnh đang trên đà phát triển và được định hướng trở thành tỉnh công nghiệp  vào năm 2020. Do đó, trong thời gian tới, công cuộc xây dựng và phát triển KTXH Quảng Nam sẽ đòi hỏi một khối lượng khá lớn về VLXD. Tuy nhiên, về mặt định lượng, việc dự báo nhu cầu VLXD là một công việc rất khó khăn vì những thông tin ban đầu thường không đầy đủ và có độ tin cậy không cao.

Căn cứ vào thực tế sản xuất VLXD ở Quảng Nam, việc dự báo nhu cầu sẽ được tính đối với một số chủng loại VLXD có điều kiện sản xuất trên địa bàn Tỉnh để đáp ứng nhu cầu tại chỗ và một phần xuất ra thị trường ngoài tỉnh.

Căn cứ vào các số liệu đã được điều tra, việc xác định nhu cầu đối với các chủng loại VLXD cho Quảng Nam sẽ được dự báo theo 2 phương pháp sau:

- Dự báo nhu cầu theo vốn đầu tư toàn xã hội.

- Dự báo nhu cầu theo bình quân đầu người.

Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng, phương pháp nào cũng dựa trên mối quan hệ giữa nhu cầu tiêu thụ với các yếu tố kinh tế ảnh hưởng ở từng giai đoạn. Vì vậy, dự báo nhu cầu VLXD được sử dụng sẽ là kết quả tổng hợp từ các dự báo trên.

* Các căn cứ chính để xây dựng dự báo

- Các số liệu về dân số và vốn đầu tư từ năm 2007 đến năm 2011 theo Niên giám thống kê của Cục Thống kê Quảng Nam.

- Các số liệu dự báo về một số chỉ tiêu KTXH đến các năm 2015 và 2020 theo Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.

- Các số liệu hiện trạng sản xuất và tiêu thụ VLXD ở Quảng Nam trong những năm gần đây.

- Các số liệu về bình quân VLXD trên đầu người của cả nước và một số tỉnh, thành phố khác.    

1. Dự báo nhu cầu VLXD theo vốn đầu tư toàn xã hội

Dự báo dựa trên quan hệ giữa nhu cầu tiêu thụ VLXD và vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm. Phương pháp dự báo phụ thuộc vào độ chính xác của các dự báo về phát triển KTXH và tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng số vốn đầu tư xã hội ở từng năm, từng giai đoạn phát triển khác nhau.

· Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam năm 2011:

+ GDP Quảng Nam năm 2011 là 10.208 tỷ đồng (theo giá so sánh) và là 32.054 tỷ đồng (theo giá thực tế).               

+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 12.795 tỷ đồng (theo giá thực tế), chiếm gần 40% GDP.

· Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025:

+ Tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm của Quảng Nam từ nay đến 2020 là 11,5~12,5%. Như vậy, theo giá so sánh, GDP Quảng Nam sẽ khoảng 16.062 tỷ đồng vào năm 2015 và 28.308 tỷ đồng vào năm 2020. Theo giá thực tế hiện tại, GDP Quảng Nam sẽ khoảng 50.438 tỷ đồng vào năm 2015 và 88.888 tỷ đồng vào năm 2020.

+ Tỷ trọng đầu tư so với GDP khoảng 35~40%. Như vậy, vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2015 khoảng 19.084 tỷ đồng và đến năm 2020 khoảng 34.009 tỷ đồng (theo giá thực tế).

Khối lượng VLXD tiêu thụ năm 2011 ước là:

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

Tổng cộng

B/q cho 1 tỷ đồng VĐT

1

Xi măng

tấn

1.055

74

2

Vật liệu xây

ngàn viên

482

40

3

Vật liệu lợp

m2

2.475

140

4

Đá xây dựng

m3

2.215

169

5

Cát xây dựng

m3

1.954

90

6

Gạch ốp lát

m2

4.169

277

7

Sứ vệ sinh

sp

195

9

Dự báo nhu cầu VLXD theo vốn đầu tư theo vốn đầu tư toàn xã hội là:

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

2015

2020

1

Xi măng

kg/người

1.306

2.302

2

Vật liệu xây

viên/người

706

1.244

3

Vật liệu lợp

m2/người

2.471

4.356

4

Đá xây dựng

m3/người

2.983

5.258

5

Cát xây dựng

m3/người

1.589

2.800

6

Gạch ốp lát

m2/người

4.890

8.618

7

Sứ vệ sinh

sp/người

159

280

2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ VLXD theo bình quân đầu người

Đây là phương pháp dự báo dựa trên mức tiêu thụ VLXD bình quân đầu người của Quảng Nam và dân số Quảng Nam đến năm 2015 và 2020 để dự báo. Mức tiêu thụ VLXD bình quân đầu người của Quảng Nam được căn cứ vào mức tiêu thụ VLXD bình quân đầu người của cả nước theo Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD ở Việt Nam đến năm 2020, cụ thể như sau:

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

2015

2020

1

Xi măng

kg/người

810

960

2

Vật liệu xây

viên/người

370

440

3

Vật liệu lợp

m2/người

1,9

2,3

4

Đá xây dựng

m3/người

1,7

2,1

5

Cát xây dựng

m3/người

1,5

1,85

6

Gạch ốp lát

m2/người

3,2

4,1

7

Sứ vệ sinh

sp/người

0,15

0,2

Trong những năm qua, GDP bình quân đầu người hàng năm của Quảng Nam tăng khá nhanh từ 8,93 triệu đồng vào năm 2007 lên 22,34 triệu đồng vào năm 2011 (tốc độ tăng bình quân hàng năm là 24,35%). Đến năm 2011, GDP bình quân đầu người của Quảng Nam đạt gần 83% so với bình quân chung của cả nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, tốc độ tăng GDP của Quảng Nam từ nay đến năm 2020 là 11,5~12,5%/năm (cao hơn so với cả nước là 7~7,5%), do đó, GDP bình quân đầu người của Quảng Nam đến năm 2015 sẽ đạt 89% so với mức bình quân chung của cả nước và đến năm 2020 sẽ xấp xỉ mức bình quân chung của cả nước (97%).

Dự báo mức tiêu thụ VLXD bình quân đầu người của Quảng Nam như sau:

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

2015

2020

1

Xi măng

kg/người

729

960

2

Vật liệu xây

viên/người

333

440

3

Vật liệu lợp

m2/người

1,71

2,30

4

Đá xây dựng

m3/người

1,53

2,10

5

Cát xây dựng

m3/người

1,35

1,85

6

Gạch ốp lát

m2/người

2,88

4,10

7

Sứ vệ sinh

sp/người

0,14

0,20

Với dự báo dân số Quảng Nam như sau:

Năm 2015:   1.463.916 người.                    + Năm 2020:   1.515.875 người.

Tính toán nhu cầu VLXD của Quảng Nam đến năm 2015 và 2020 là:

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

2015

2020

1

Xi măng

1000 tấn

1.067

1.455

2

Vật liệu xây

triệu viên

487

667

3

Vật liệu lợp

1000 m2

2.503

3.487

4

Đá xây dựng

1000 m3

2.240

3.183

5

Cát xây dựng

1000 m3

1.976

2.804

6

Gạch ốp lát

1000 m2

4.216

6.215

7

Sứ vệ sinh

1000 sp

198

303

            * Tổng hợp dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Nam

Phân tích, đánh giá các kết quả dự báo nhu cầu VLXD theo vốn đầu tư toàn xã hội và theo bình quân đầu người kết hợp tham khảo ý kiến chuyên gia, dự báo nhu cầu VLXD ở Quảng Nam như sau:

STT

Chủng loại VLXD

Đơn vị

2015

2020

1

Xi măng

1000 tấn

1.187

1.879

2

Vật liệu xây

triệu viên

597

956

3

Vật liệu lợp

1000 m2

2.487

3.921

4

Đá xây dựng

1000 m3

2.612

4.221

5

Cát xây dựng

1000 m3

1.783

2.802

6

Gạch ốp lát

1000 m2

4.553

7.416

7

Sứ vệ sinh

1000 sp

178

292

 

Phần thứ tư

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VLXD

TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030


I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VLXD

1. Quan điểm

a. Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH và quy hoạch của các ngành khác trong Tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 và các quy hoạch khác có liên quan.

b. Phát triển VLXD trên địa bàn Tỉnh phải đảm bảo tính bền vững trên cơ sở gắn kết hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và bảo vệ tốt môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử, đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển sản xuất VLXD trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm VLXD, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng, địa lý kinh tế,…

c. Phát triển sản xuất VLXD với quy mô hợp lý, đa dạng hoá sản phẩm, công nghệ sản xuất tiên tiến, khuyến khích áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

d. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn vào phát triển sản xuất VLXD. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và kinh doanh VLXD. Tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cá thể tham gia đầu tư nhiều hơn để mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ trong sản xuất VLXD.

e. Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất thủ công, tập trung lại thành các cơ sở có quy mô công nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

a. Phát triển sản xuất VLXD vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của Tỉnh, vừa cung cấp các sản phẩm VLXD có thế mạnh cho các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu.

b. Phát triển sản xuất VLXD theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp VLXD, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tiến bộ nhằm góp phần đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

c. Phát triển sản xuất VLXD nhằm thu hút lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

2.2. Mục tiêu cụ thể

+ Đáp ứng cơ bản nhu cầu đối với các chủng loại vật liệu thông thường như vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, các loại bê tông và một số loại vật liệu trang trí hoàn thiện khác. Phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có lợi thế về thị trường tiêu thụ để mở rộng cung ứng cho các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu. 

+ Giá trị sản xuất VLXD đến năm 2015 tăng gấp 1,5 lần và đến năm 2020 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.

+ Giải quyết thêm khoảng 7.500 ~ 10.000 nghìn lao động mới vào làm việc trong ngành sản xuất VLXD.

II. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VLXD

1. Xi măng


TL Vien 6.jpg


+ Đầu tư phát triển công nghiệp xi măng bền vững, góp phần phát triển KTXH trên cơ sở sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và bảo đảm an ninh quốc phòng. Ưu tiên các dự án công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp.

+ Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất. Lựa chọn thiết bị phù hợp nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh. Đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải trong nhà máy xi măng để phát điện.

+ Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất xi măng gắn với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

+ Hàng năm, các cơ sở khai thác phải tiến hành xử lý hoàn nguyên theo quy định của Luật Khoáng sản về môi trường ở khu vực khai thác, bao gồm: (i) Phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động khoáng sản và (ii) Xử lý nước thải theo tiêu chuẩn về môi trường trước khi thải.

2. Vật liệu xây

+ Khuyến khích đầu tư phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế tối đa việc sản xuất vật liệu xây từ đất nông nghiệp.

+ Tiếp tục đầu tư chiều sâu để cải tiến công nghệ sản xuất gạch ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có trên địa bàn Tỉnh nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

+ Phát triển các loại gạch có kích thước lớn, độ rỗng cao ≥50% để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường, đồng thời tăng khả năng cách âm, cách nhiệt và các loại gạch chất lượng cao phục vụ xây dựng trong nước và xuất khẩu.

+ Khuyến khích việc chuyển đổi nguyên liệu sản xuất từ đất sét sang nguyên liệu đất đồi, đất bãi và phế thải công nghiệp,…

+ Phát triển sản xuất vật liệu xây không nung từ các nguyên liệu như xi măng, đá mạt, cát và tro xỉ nhiệt điện, đất đồi, phế thải xây dựng,… theo hướng công nghệ hiện đại, quy mô lớn, kích thước lớn, nhẹ để thay thế dần gạch xây sản xuất từ đất sét nung. Tỷ lệ gạch không nung đến năm 2015 là 20 ÷ 25% và năm 2020 là 30 ÷ 40% tổng số vật liệu xây trong Tỉnh.

+ Khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng.

3. Vât liệu lợp

- Phát triển sản xuất ngói nung truyền thống ở các khu vực có nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu.

- Phát triển sản xuất các loại ngói trang trí chất lượng cao có giá trị kinh tế, phục vụ cho các công trình biệt thự, khách sạn cao cấp, khu du lịch và trùng tu di tích,…

- Phát triển sản xuất các loại ngói không nung có màu sắc phong phú, sản xuất trên dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng cho các khu vực đô thị, nông thôn, các khu du lịch, dịch vụ,…

- Phát triển đa dạng các sản phẩm tấm lợp như tấm lợp composite, tấm lợp kim loại cách âm, cách nhiệt và hướng đến sản xuất một số chủng loại tấm lợp hợp kim, phi kim loại có chất lượng cao và tính năng đặc thù.

- Đối với tấm lợp sử dụng amiăng: (i) Nghiêm cấm việc sử dụng amiăng amfibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp; (ii) Các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng chrysotile phải đầu tư chiều sâu, hoàn thiện công nghệ bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế.

4. Đá xây dựng

- Tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ khai thác đá xây dựng ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

- Tổ chức quản lý, xắp xếp lại các cơ sở khai thác, khuyến khích tạo điều kiện để các cơ sở nhỏ liên doanh, liên kết thành những cơ sở lớn, có tiềm lực về kinh tế để thay đổi công nghệ và thiết bị nhằm (i) Nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; (ii) Tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Khuyến khích các đơn vị khai thác đầu tư dây chuyền khai thác chế biến hiện đại và phải có phương án sử dụng đá mạt để sản xuất các loại vật liệu khác nhằm tận dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

- Ngừng khai thác đá tại các khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy hoạch của Tỉnh và xóa bỏ các cơ sở khai thác kém hiệu quả hoặc không đảm bảo các quy định về môi trường và bảo vệ tài nguyên.

5. Cát xây dựng

+ Tiếp tục khai thác cát xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định khai thác để đáp ứng trước hết là nhu cầu trong Tỉnh và kế đến là các tỉnh, thành phố lân cận.

+ Tổ chức sắp xếp lại lực lượng khai thác cát hộ tư nhân nhỏ lẻ, khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ sở này liên doanh, liên kết hình thành các đơn vị khai thác tập trung để: (i) Có điều kiện tổ chức, quản lý khai thác theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt; (ii) Áp dụng cơ giới hóa và cải tiển công nghệ nhằm nâng công suất, chất lượng cát xây dựng và (iii) Đảm bảo môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

+ Chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không phép đi đôi với xây dựng kế hoạch thăm dò và quy hoạch cấp mỏ cho các tổ chức có năng lực.

+ Khai thác cát xây dựng phải đảm bảo hành lang an toàn đối với giao thông đường thủy và phạm vi bảo vệ đối với các công trình công cộng (giao thông, thủy lợi,…), nhà ở nhân dân.

6. Gạch ốp lát

+ Phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mẫu mã, màu sắc, hoa văn trang trí, kích cỡ,.. để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng đa dạng của các công trình xây dựng.

+ Ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có nhiều tính năng đặc biệt (ngăn ngừa sự ngưng tụ hơi nước, chống bám bẩn, hút mùi hôi, chống thấm cao, tự làm sạch, ngăn ngừa phát triển rêu mốc,…).

+ Đầu tư phát triển các loại vật liệu ốp lát mới như đá ốp lát nhân tạo, gỗ công nghiệp, vật liệu composite, hợp kim nhôm, nhựa,… để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao.

7. Bê tông cấu kiện

- Đầu tư chiều sâu cho các cơ sở sản xuất hiện có để phát huy tối đa công suất và nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

- Phát triển sản xuất và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bê tông cấu kiện đúc sẵn, bê tông thương phẩm để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng dân dụng, giao thông và công nghiệp.

- Đa dạng hóa sản phẩm bê tông cấu kiện bằng  các loại bê tông chất lượng cao, cường độ cao, bê tông nhẹ, bê tong dự ứng lực,… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng.

- Ứng dụng các loại phụ gia cho bê tông để nâng cao các tính năng bê tông cải thiện tính chất công nghệ bê tông.

8. Gạch lát bê tông

+ Duy trì và nâng cao công suất các cơ sở sản xuất để đạt sản lượng đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Tỉnh.

+ Phát triển sản xuất một số chủng loại gạch lát bê tông như gạch mặt trơn, mặt sần, mặt có khía rãnh tạo độ bám, gạch giả cổ, giả đá, giả gỗ, gạch, gạch cho người khiếm thị,… với nhiều màu sắc khác nhau, phạm vi sử dụng đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu ốp lát trang trí đường đi, vườn hoa, sân bãi, vỉa hè ở các đô thị, khu du lịch, thể thao văn hóa và vui chơi giải trí.


Phần thứ năm

NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT TRIỂN VLXD QUẢNG NAM

ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030


1. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất VLXD

Nhu cầu vốn đầu tư để phát triển VLXD ở Quảng Nam đến năm 2020 là khá cao lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Để giải quyết nhu cầu vốn đầu tư, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế. Việc đầu tư phát triển VLXD cần được xem như đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cần được ưu tiên đi trước một bước. Tạo điều kiện để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất VLXD, có chính sách khuyến khích tư nhân bỏ vốn đầu tư, liên doanh với trong nước và nước ngoài có vốn và kỹ thuật cao để tổ chức sản xuất, cụ thể:

- Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao và sản phẩm có thể xuất khẩu, cần tranh thủ nguồn vốn của các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh hoặc liên doanh, liên kết nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia góp vốn.

- Đối với các cơ sở đầu tư mở rộng hoặc xây dựng mới nhưng nhu cầu về vốn đầu tư có mức độ như (sản xuất gạch ngói, khai thác đá, cát, bê tông, các loại vật liệu trang trí hoàn thiện khác,…) cần huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau: vốn vay ngân hàng, vốn cổ phần hoá, vốn tự có của các doanh nghiệp,… Các doanh nghiệp sản xuất VLXD cần có biện pháp tiết kiệm để tích luỹ cho tái sản xuất mở rộng và tăng cường hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác để cùng góp vốn đầu tư.

- Huy động các nguồn vốn trong dân cư bằng cách khuyến khích lập doanh nghiệp, khuyến khích tư nhân sản xuất VLXD bằng cách đơn giản hoá các thủ tục cấp phép, đồng thời huy động nguồn vốn này qua các hình thức trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp.

- Hỗ trợ để các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cấp phép xây dựng các dự án để có thể nhanh chóng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXD và cần tiếp tục cải cách hành chính để khuyến khích, ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXD.

- Tranh thủ tối đa nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trong việc xây dựng mới và mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng công trình cấp thoát nước, cấp điện,… để đầu tư ngoài hàng rào cho các công trình sản xuất VLXD.

2. Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật lành nghề, kết hợp với việc phát triển khoa học công nghệ VLXD để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành trong tương lai

Việc tăng cường công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề và tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu trước mắt và tạo tiền đề cho sự phát triển ngành công nghiệp VLXD của tỉnh trong tương lai. Ngành công nghiệp sản xuất VLXD phát triển đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ KHKT có trình độ cao, có tay nghề vững vàng, có tác phong lao động công nghiệp và có kiến thức về sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường.

Vì vậy, cần có kế hoạch đào tạo cán bộ KHKT dưới các hình thức như: đào tạo tập trung, tại chức, đào tạo theo hợp đồng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Để đáp ứng kịp thời với đòi hỏi của sản xuất VLXD, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng tại chỗ ở các cơ sở sản xuất VLXD để nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề cho công nhân.

Đối với các cơ sở sản xuất VLXD nhập công nghệ và thiết bị của nước ngoài, cần có kế hoạch cho công nhân đi tham quan, thực tập, tập huấn do các chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài hướng dẫn để kịp thời làm chủ sản xuất, tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý cần được đào tạo thêm về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh, makerting,... để thích ứng với thời đại trình độ công nghệ cao và nền sản xuất hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường. Trước mắt, cần tập trung vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT và công nhân kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất VLXD sẽ đầu tư như sản xuất xi măng, các loại vật liệu trang trí hoàn thiện có hàm lượng chất xám cao.

Các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất VLXD cần tập trung vào việc nghiên cứu sản xuất các chủng loại vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính an toàn chất lượng cao, đa dạng sản phẩm và tính năng sử dụng của sản phẩm cao; cải tiến các khâu cơ bản trong dây chuyền sản xuất, trong công nghệ, kỹ thuật sản xuất, loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường như trong sản xuất gạch thủ công, sản xuất đá công suất nhỏ,...

Nhanh chóng tiếp thu và làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để kịp thời ổn định sản xuất, hoà nhập với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới. Ngoài ra, hoạt động khoa học công nghệ cần quan tâm tới công tác tuyên truyền, thông tin quảng cáo những kinh nghiệm trong sản xuất và quảng bá rộng rãi các sản phẩm VLXD ở từng doanh nghiệp.

Các ngành trong tỉnh nói chung và ngành sản xuất VLXD nói riêng cần phát huy chính sách ưu đãi khuyến khích các cán bộ KHKT có trình độ cao và lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề giái từ các địa phương khác tới làm việc (chẳng hạn như ưu đãi về lương, về nhà ở và các chế độ khác…). Đồng thời có chính sách khuyến khích học sinh trong tỉnh theo học các ngành nghề về VLXD và xây dựng bằng cách hỗ trợ kinh phí học tập cho các em nghèo và tiếp nhận sinh viên, học sinh khi ra trường vào các cơ sở sản xuất VLXD.

3. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển các ngành kinh tế trong đó có ngành sản xuất VLXD

Đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống đường bộ, đường sông, bến cảng trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá nói chung và hàng VLXD nói riêng.

Các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sông cần nghiên cứu đầu tư phương tiện vận tải để có thể đủ năng lực vận chuyển VLXD cung ứng đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.

4. Bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD                     

Có thể thấy rằng, sản xuất VLXD đã và đang mang lại nhiều lợi ích KTXH cũng như tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Tuy nhiên, nó cũng phần nào gây ra những hậu quả xấu cho xã hội nếu công tác bảo vệ môi trường không được các cơ sở khai thác và sản xuất VLXD thực hiện nghiêm túc. Để có thể mang lại lợi ích về kinh tế, đồng thời lại có thể bảo vệ được môi trường thì cần phải có những biện pháp tổng hợp về mặt xã hội và khoa học kỹ thuật thì mới có thể làm giảm thiểu những tác hại do từng lĩnh vực sản xuất VLXD gây ra. Trước hết, tất cả các cơ sở sản xuất, khai thác chế biến nguyên liệu phải thực hiện nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường.

Để đảm bảo môi trường sinh thái trong khai thác và sản xuất VLXD cần thực hiện một số biện pháp như:

* Đối với các cơ sở khai thác:

- Bố trí nơi khai thác sản xuất xa khu vực dân cư trong phạm vi bán kính cho phép để đảm bảo tiếng ồn không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

- Phát triển các cơ sở khai thác lớn với công nghệ hiện đại để thay thế các cơ sở sản xuất nhỏ như hiện nay.

- Phun nước chống bụi tại đầu nguồn phát sinh bụi như khu vực nghiền đập, sàng,…

- Trồng cây xanh xung quanh khai trường, khu vực nghiền, đập hạn chế sự phát tán của bụi.

- Trong khai thác phải đảm bảo thực hiện theo thiết kế đã được duyệt, không khai thác bừa bãi để tránh hiện tượng sạt lở.

- Trong khai thác nên sử dụng phương pháp bắn mìn vi sai để giảm chấn động và hiện tượng đá văng xa, bảo vệ an toàn cho nười lao động và các khu vực xung quanh.

- Thường xuyên bảo dưỡng duy tu hệ thống giao thông trong và ngoài khu mỏ.

- Tiến hành hoàn nguyên môi trường bằng cách hoàn trả lại mặt bằng đã khai thác, xử lý nước thải, trồng lại thảm thực vật…

* Đối với các cơ sở sản xuất:

- Đầu tư các hệ thống làm giảm bụi như hệ thống lọc bụi cyclon, hệ thống phun nước áp lực lớn tạo sương cho các hệ nghiền sàng, các khu vực đầu băng tải.

- Nghiên cứu xử lý nước thải bằng các biện pháp lọc tự nhiên (qua một số ao hồ nhỏ) hoặc cưỡng bức nếu điều kiện cho phép.

- Các phương tiện vận tải cần nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về vận chuyển vật liệu (không chở quá trọng tải, phải che phủ vật liệu trong lúc vận chuyển) để tránh tình trạng làm rơi vãi và văng đổ vật liệu trên đường.

- Phát triển sản xuất gạch không nung, thay thế dần gạch nung trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn để người dân tập trung đầu tư sản xuất gạch bằng các công nghệ tiên tiến khác, thay thế các lò thủ công hiện nay.

- Đối với các nhà máy gạch tuy nen cần đầu tư thêm cho việc xử lý bụi công nghiệp ở cửa ra và đỉnh lò nung, mặc dù hiện tại về cơ bản lượng bụi đã nằm ở tiêu chuẩn cho phép.

5. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà Nước, tạo điều kiện mở rộng thị trường để thúc đẩy sản xuất VLXD và thống nhất quản lý Nhà Nước đối với toàn ngành sản xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh

- Tổ chức sản xuất theo quy hoạch và nghiêm cấm tuyệt đối các hoạt động khai thác, sản xuất không phép, sản xuất không đảm bảo môi trường, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới việc bảo vệ di tích văn hoá lịch sử và quốc phòng. Đối với tất cả các dự án mới đầu tư phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng. Các dự án phải có các biện pháp xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, hướng phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác và cam kết thực hiện. Xem xét và phê duyệt có chọn lọc các công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp vào các khu, cụm công nghiệp.

- Tạo dựng môi trường sản xuất kinh doanh rõ ràng, thống nhất cạnh tranh, không phân biệt thành phần kinh tế nhưng phải đảm bảo tính bình đẳng. Đây là một biện pháp có tác động kích thích mạnh mẽ tới sự phát triển ngành sản xuất VLXD.

- Mở rộng thị trường tạo điều kiện cho sản xuất VLXD phát triển bằng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong tỉnh, cụ thể là:

+ Tăng cường sự chỉ đạo của UBND tỉnh để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất và kinh doanh VLXD theo quy hoạch, kế hoạch.

+ Tích cực tổ chức và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm VLXD, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần phải tự mở rộng hệ thống tiếp thị, xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, có cơ chế khuyến khích môi giới bán hàng và thực hiện các nhiệm vụ hậu mãi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

- Đối với các cơ sở sản xuất, cần phải tự thân vận động, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đối tác liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

- Để bảo vệ tài nguyên, môi trường, các cơ quan chức năng trong tỉnh như Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương cần phối hợp thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá các cơ sở khai thác và sản xuất, để từ đó có các quyết định khuyến khích sản xuất cũng như các quyết định xử lý vi phạm hoặc quyết định cho ngừng sản xuất nếu các cơ sở vi phạm luật tài nguyên và quy định về môi trường.

6. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để phục vụ cho yêu cầu phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh

+ Khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD để có cơ sở tin cậy hoạch định các chương trình, kế hoạch phát triển sản xuất VLXD, xác lập ranh giới khu vực khai thác, xác định mục đích sử dụng, giao quyền quản lý một cách hợp lý nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, tránh khai thác bừa bãi gây lãng phí hoặc xâm phạm vào đất đai canh tác nông lâm nghiệp, cảnh quan thiên nhiên,…

+ Tiến hành công tác khảo sát thăm dò khoáng sản làm VLXD phục vụ cho việc đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng mới các công trình sản xuất VLXD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo đúng quy hoạch, kế hoạch.

+ Khảo sát thăm dò tính toán xác định chính xác hơn về trữ lượng, chất lượng của một số khu mỏ đá, sét gạch ngói, các khu vực cát sông suối,… để có kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý hơn.

Ngày đưa tin:  19/08/2013
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết - Xây dựng ký túc xá; các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 2)
Trụ sở làm việc Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117