Trong những năm qua, ngành sản xuất
vật liệu xây dựng (VLXD) Quảng Nam liên tục phát triển với sản lượng ngày càng
tăng, chất lượng ngày càng cao và chủng loại ngày càng đa dạng, đáp ứng được
phần lớn nhu cầu xây dựng trong Tỉnh và cung ứng cho các địa phương lân cận.
Quảng Nam là tỉnh có thế mạnh trong
sản xuất VLXD dựa trên nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD khá phong phú và đa
dạng. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn tài nguyên không tái tạo nên việc khai thác
và sử dụng cần được nghiên cứu, tính toán một cách hợp lý, hiệu quả dựa trên
tầm nhìn dài hạn.
Chính vì thế, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở
Xây dựng đã giao trách nhiệm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
nghiên cứu lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây
dựng thông thường tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao cả về chất lượng và tiến độ, đồ án quy
hoạch này đã được hoàn thành và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết
định số 2691/QĐ-UBND ngày 04/9/2014.
Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây
dựng thông thường tỉnh Quảng Nam hướng đến các mục tiêu dài hạn sau:
* Đánh giá tổng thể về nguồn tài
nguyên khoáng sản làm VLXD thông thường hiện có của Tỉnh để đề ra các định
hướng, giải pháp, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản này
phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn cụ thể;
* Góp phần tăng cường công tác quản
lý nhà nước về khoáng sản ở các cấp theo quy hoạch, kế hoạch cụ thể để chủ động
kiểm soát và thúc đẩy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản VLXD thông
thường hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ được môi trường sinh thái;
* Thúc đẩy tiếp cận và tiếp nhận công
nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh
trong sản xuất VLXD.
Để pháp triển bền vững trong hoạt động khai thác, chế biến
khoáng sản làm VLXD thông thường, quy hoạch đã đề ra các định hướng, giải pháp
sau:
* Khai thác khoáng sản phải gắn với
xây dựng cơ sở chế biến tại địa phương, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
* Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi
cho các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản làm nguyên liệu trực tiếp cho các
dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Tận thu tối đa tài
nguyên khoáng sản làm VLXD thông thường trong phạm vi dự án đã được cấp phép
đầu tư;
* Khuyến khích đầu tư sử dụng công
nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ít hoặc không tạo ra chất thải ô nhiễm. Gắn
việc khai thác, chế biến với xử lý triệt để môi trường, hoàn thổ và khôi phục
môi trường trong khai thác mỏ;
* Tăng cường thanh tra, kiểm tra,
giám sát chặt chẽ quy trình vận hành sản xuất và các tiêu chí kinh tế - kỹ
thuật đề ra trong dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
* Tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXD trong việc xin cấp phép thăm dò, khai thác
các mỏ khoáng sản làm VLXD.

Theo quy hoạch, có 727 điểm mỏ trên
diện tích hơn 5.925 ha sẽ được thăm dò, khai thác đối với 4 loại khoáng sản: đá
xây dựng; cát, sỏi xây dựng; sét gạch ngói; đất san lấp. Trong đó, có 225 điểm
khảo sát mới, diện tích gần 1.854 ha. Từ nay đến năm 2030 sẽ thăm dò, khai thác
514 điểm mỏ, diện tích hơn 4.029ha. Từ nay đến năm 2020, sẽ ưu tiên thăm dò,
khai thác các điểm mỏ thuận lợi về giao thông, có trữ lượng lớn khai thác tập
trung, cân đối đủ nhu cầu trong giai đoạn này.
Quy hoạch này là cơ sở quan trọng cho
việc tăng cường công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản và tổ chức các hoạt
động khoáng sản trên địa bàn Tỉnh. Để quy hoạch thực sự phát huy được hiệu quả,
cần có sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam cùng với sự phối hợp chặt
chẽ, đồng bộ của các sở ban ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên
quan ./.
Tin bài: KS. Lê Hùng Sơn