Giao thông vận tải là ngành có vị trí
quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển của cả nước nói chung và từng
địa phương nói riêng. Giao thông vận tải phát triển sẽ tạo tiền đề, điều kiện
quan trọng hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, nâng cao
phúc lợi xã hội, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội.
Chính vì thế, ngành giao thông vận tải
luôn được tỉnh Quảng Nam chú trọng đầu tư phát triển bởi đây vừa là điều kiện,
vừa là nội dung cơ bản trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa - hiện đại
hóa đất nước. Hiện nay, Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam
đến năm 2015 đã hết niên hạn nghiên cứu. Nhằm đảm bảo tính liên tục của Quy
hoạch, tạo điều kiện phát triển bền vững giao thông vận tải, thúc đẩy phát
triển kinh tế xã hội của Tỉnh trong giai đoạn tới, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Giao
thông vận tải đã giao Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam nghiên cứu
lập “Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030”.
Xác định đây là đề án vừa có yêu cầu cao
về tính khoa học và tính thực tiễn, đồng thời, đòi hỏi cao trong việc xác định
các định hướng, mục tiêu, giải pháp hợp lý và khả thi nhằm phát triển giao
thông vận tải tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới, phục vụ các mục tiêu kinh tế
xã hội, góp phần đưa Quảng Nam tiến kịp với các tỉnh có nền kinh tế phát triển
trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và trong toàn quốc, Viện Quy hoạch đô thị và
nông thôn Quảng Nam đã tập trung cao độ để thực hiện tốt quy hoạch này cả về
chất lượng và tiến độ.
Sau quá trình triển khai thực hiện và
được Bộ Giao thông Vận tải góp ý, được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua,
“Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030” đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số
846/QĐ-UBND ngày 13/3/2015.
Trên cơ sở các mục tiêu, quan điểm quy
hoạch như sau:
* Phù hợp với Chiến lược phát triển giao
thông vận tải Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh Quảng Nam.
* Đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển ở
cả hai tiêu chí: (i) Tính tiếp cận: mạng lưới giao thông đến được tất cả các
trung tâm xã, khu dân cư, các vùng nguyên liệu, các khu, cụm công nghiệp,... và
(ii) Nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí, tăng vận tốc, hạn chế tai nạn
giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
* Phát triển hài hòa giữa các phương
thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Kết hợp hài
hòa giữa phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và tổ chức khai thác vận
tải.
* Góp phần gìn giữ trật tự an toàn xã
hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tỉnh.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải
tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ sau đây:
* Quy hoạch hoàn chỉnh mạng lưới giao
thông vận tải của Tỉnh một cách khoa học, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh
tế xã hội của Tỉnh và kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông liên vùng.
* Xác định các giải pháp, nguồn lực và
tiến độ thực hiện quy hoạch đảm bảo tính khả thi và hợp lý.
* Đề xuất các dự án phát triển giao
thông vận tải cần ưu tiên đầu tư để đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông
huyết mạch, quan trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành
kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Trên
cơ sở đánh giá hiện trạng và dự báo nhu cầu vận tải, Quy hoạch phát triển giao
thông vận tải tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các nội dung chính như sau:
* Hệ thống quốc lộ và các đường trục
quốc gia: Hoàn thành nâng cấp, mở rộng đạt quy mô theo quy hoạch phát triển
giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
* Hệ thống tỉnh lộ: Phát triển mạng
lưới, mở rộng, nâng cấp, đưa vào cấp kỹ thuật với quy mô tối thiểu đường cấp
IV ở vùng đồng bằng; cấp IV, cấp V ở miền núi; đoạn qua các đô thị đạt quy mô
theo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị; Đồng thời quy hoạch các tuyến đường
huyện lên thành đường tỉnh. Tập trung phát triển 2 hành lang giao thông Bắc -
Nam quan trọng:
+ Hành lang giao thông Bắc - Nam ở vùng
trung du (BN1): Kết nối các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn, Duy
Xuyên, Đại Lộc và Đông Giang trên cơ sở nâng cấp các tuyến đường hiện hữu
ĐT614, ĐT611B, ĐT611, ĐT610.
+ Hành lang giao thông kết nối Bắc - Nam
ở vùng núi phía Tây (BN2): Đoạn tuyến kết nối 02 huyện Tây Giang - Nam Giang
theo đường tuần tra biên giới và đoạn tuyến kết nối huyện Phước Sơn với huyện
Nam Trà My đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi.
* Hệ thống đường trục chính trong khu
kinh tế: Đầu tư hệ thống giao thông đường bộ để phục vụ phát triển của Khu kinh
tế mở Chu Lai.
* Hệ thống đường huyện và giao thông
nông thôn: Đến năm 2020 kiên cố hóa thêm 320km mặt đường các tuyến đường huyện
và đường xã đạt tối thiểu 70% mặt đường cứng. Đường huyện đạt tiêu chuẩn tối
thiểu cấp VI ở đồng bằng và giao thông nông thôn loại A ở miền núi. Đối với các
đường trục xã, đường thôn, ngõ xóm đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
* Hệ thống bến xe khách: Theo quy hoạch
phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Quảng Nam, mỗi đô thị có tối thiểu một bến
xe.
* Quy hoạch giao thông đường thuỷ nội
địa: Cải tạo nâng cấp các tuyến đường thuỷ nội địa và quy hoạch xây dựng mới
các bến sông.
* Quy hoạch giao thông đường sắt, cảng
hàng không, sân bay, cảng biển, luồng hàng hải: Thực hiện theo các quy hoạch do
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch này là cơ sở quan trọng cho
việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông vận tải, đi đôi với
tăng cường công tác quản lý hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn Tỉnh, xác
định được danh mục ưu tiên và lộ trình thực hiện các dự án trọng điểm trong
thời gian tới. Để quy hoạch thực sự phát huy được hiệu quả, cần có sự quan tâm
chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam cùng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các
sở ban ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan./.
Tin bài: KS. Trần Ngọc Hà