Chương trình xây dựng nông thôn mới được
triển khai theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về
việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ
sở đó, qua thời gian chọn một số địa phương làm “xã điểm”, Ban chỉ đạo Trung
ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã triển khai chương
trình đồng loạt trên cả nước theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của
Thủ tướng Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Chương trình Xây dựng nông
thôn mới cũng được triển khai tích cực và rộng khắp.
Cho đến nay, công tác quy hoạch để đảm
bảo Tiêu chí 1 về “Quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch” của Chương trình xây
dựng nông thôn mới được nêu trong “Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” do
Thủ tướng Chính phủ quy định đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, để được đánh giá
là hoàn thành tiêu chí này thì các địa phương phải hoàn thành việc cắm mốc chỉ
giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt. Đây là công tác rất quan
trọng trong việc triển khai các đồ án quy hoạch nông thôn mới đi vào thực tế cụ
thể của địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai
cắm mốc quy hoạch nông thôn mới từ bản vẽ ra ngoài thực địa có nhiều bất cập mà
hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều vướng mắc khi triển khai
thực hiện. Đó là, trong quy hoạch nông thôn mới, các bản vẽ thường sử dụng bản
đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 kết hợp với bản đồ chuyên ngành khác như bản đồ giải
thửa, bản đồ sử dụng đất,... để làm cơ sở thiết kế quy hoạch, cho nên khi
chuyển tất cả các yếu tố quy hoạch như các tim, mốc giao thông, các mốc ranh
giới sử dụng đất công trình công cộng,… thường gặp rất nhiều khó khăn do không
có hệ thống mốc khống chế đi kèm.
Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu
trên, đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Phòng Khảo sát xây dựng thuộc Viện Quy
hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đã đề xuất và triển khai áp dụng trên thực
tiễn hai phương pháp sau đây:
* Phương pháp 1 - Cắm mốc theo mạng lưới
khống chế bổ sung:
Chuyển các mốc quy hoạch đã có tọa độ từ
bản vẽ ra ngoài thực địa bằng phương pháp tọa độ cực dựa vào các điểm mốc khống
chế cùng hệ tọa độ khi thành lập bản đồ đó. Muốn vậy, bản đồ được sử dụng để
làm quy hoạch phải được đo vẽ bằng hệ tọa độ Quốc gia. Khi đó việc thành lập
mạng lưới khống chế mới cũng theo hệ tọa độ Quốc gia đó (VN 2000 múi chiếu 3o hoặc 6o). Từ đó có thể sử dụng các điểm khống chế đó làm cơ sở chuyển các mốc
quy hoạch ra ngoài thực địa theo phương pháp tọa độ cực thông thường. Phương
pháp này độ chính xác khá cao nhưng chi phí tăng lên nhiều do phải thành lập
thêm mạng lưới khống chế cho khu vực cần triển khai.

* Phương pháp 2 - Kết hợp giữa tọa độ
các điểm mốc quy hoạch và các địa vật:
Trước tiên, cần chuyển tọa độ mốc quy
hoạch ra ngoài thực địa bằng cách sử dụng bản đồ quy hoạch nông thôn mới (có tỷ
lệ nhỏ 1/10.000) kết hợp với việc sử dụng GPS cầm tay với độ chính xác ±(3-5)m
với mức độ chính xác một cách tương đối. Sau đó, đối chiếu vị trí các địa vật
có trên bản đồ và ngoài thực địa để điều chỉnh mốc quy hoạch nhằm nâng cao hơn
độ chính xác đến mức khả thi nhất. Phương pháp này độ chính xác thấp hơn nhưng
thuận tiện trong áp dụng do chi phí thấp và phù hợp với điều kiện thực tế.

Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm
riêng và có khả năng đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu nhất định. Tùy theo tình
hình thực tế và điều kiện kinh phí, các địa phương chọn giải pháp phù hợp với
mình để triển khai thực hiện./.
Tin bài: KS. Đặng Đức Hiệu