TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Thứ sáu, 19/04/2024
TIN TỨC
Tham luận Hội thảo “ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NAM”

Tham luận Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển VLXD Quảng Nam”

ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NAM           

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam

 

Trong thời gian qua nhìn chung ngành VLXD tỉnh Quảng Nam tương đối phát triển; đã có những bước tiến đáng kể như tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng cũng như đa dạng về chủng loại sản phẩm, như: xi măng, vật liệu xây nung và VL xây không nung, vật liệu lợp, bê tông, cát, đá xây dựng, cụ thể như: vật liệu xây có 35 cơ sở sản xuất; vật liệu lợp 6 cơ sở; Đá xây dựng 21 cơ sở; Cát xây dựng 12  cơ sở; Gạch ốp lát 03 cơ sở; Kính xây dựng 03 cơ sở. Một số sản phẩm VLXD thông dụng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn và cung ứng cho các Tỉnh khác. Ngoài ra Quảng Nam đã có các cơ sở sản xuất VLXD trang trí hoàn thiện có giá trị kinh tế cao như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, và ngành vật liệu xi măng đang được đầu tư xây dựng tại huyện Nam Giang với công suất 3.300 tấn clanhke/ngày. Dây chuyền đồng bộ từ công đoạn nghiền đến công đoạn đóng bao và xuất xi măng công suất 1.235.000 tấn XM/ năm.

Có được kết quả trên không những do tận dụng được thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD tỉnh nhà khá phong phú về chủng loại và trữ lượng khá dồi dào, mà còn được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền đã có định hướng đúng đắn, trong đó quy hoạch ngành công nghiệp tỉnh nhà cũng đã xác định ngành công nghiệp VLXD là một trong các ngành công nghiệp mũi nhọn tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội; đồng thời UBND tỉnh đã khuyến khích được mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia ngoài nhiệm vụ là ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành xây dựng, công nghiệp sản xuất VLXD còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của xã hội và so với tiềm lực thì ngành công nghiệp sản xuất VLXD Tỉnh nhà vẫn còn những hạn chế trong đầu tư sản xuất, trong hoạt động kinh doanh và trong công tác quản lý, như:

- Tài nguyên khoáng sản làm VLXD tuy khá phong phú và đa dạng nhưng nhiều điểm khoáng sản phân bố manh mún, quy mô nhỏ lẻ, chưa thể tổ chức khai thác quy mô lớn, quy mô công nghiệp. Công tác điều tra thăm dò đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD chưa được triển khai đầy đủ và rộng khắp trên toàn bộ không gian lãnh thổ cộng thêm việc đánh giá trữ lượng, chất lượng chưa đạt được mức độ đầy đủ và chính xác cao.

- Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú nhưng ngành công nghiệp sản xuất VLXD địa phương chưa được quy hoạch định hướng phát triển, đồng thời quá trình sản xuất VLXD được các địa phương kêu gọi đầu tư ồ ạt, không có chiến lược, định hướng dẫn đến sản xuất tràn lan, không đảm bảo nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không cao, đồng thời gây ô nhiễm môi trường, mất đất nông nghiệp; không những không phát huy được tiềm năng thế mạnh về nguyên liệu cũng như vị trí địa lý mà còn không đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp VLXD trong thời kỳ mới, VLXD mới đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Để giải quyết vấn đề về nguồn nguyên liệu, tránh khai thác bừa bãi  gây tác động đến môi trường sinh thái cũng như mất đất nông nghiệp, dẫn đến không ổn định về sản xuất cũng như ảnh hưỡng về chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp. Đồng thời để tận dụng tiềm năng về nguồn tài nguyên khoáng sản, lợi thế về vị trí địa lý cũng như đáp ứng yêu cầu chiến lược về ngành công nghiệp sản xuất VLXD cho tỉnh nhà thì việc lập quy hoạch, quản lý quy hoạch là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách ngành công nghiệp sản xuất VLXD hiện nay. Nhận thấy được tầm quan trọng đó và để làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý nguồn khoáng sản làm VLXD dựng có hiệu quả, đúng mục đích, phát triển bền vững và quản lý ngành công nghiệp VLXD đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo lập: “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”và “Quy hoạch phát tiển VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2259/UBND-KTN ngày 25/6/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh.

Đến nay trên địa bàn tỉnh cơ bản đã chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục,... Tuy nhiên vẫn chưa có nhà máy công nghiệp vật liệu xây dựng sản xuất gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh chính thức đi vào hoạt động cung cấp sản phẩm cho thị trường (Chỉ có một Nhà máy Công ty Cổ phần Bê tông nhẹ Đất Việt tại huyện Phú Ninh, hiện đang sản xuất thử nghiệm loại vật liệu gạch đất không nung công với suất dự kiến khoảng 2.000.000 viên/năm). Đồng thời trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn 35 nhà máy sản xuất gạch đất sét nung (lò tuy nen) với tổng công suất 751 triệu viên; giải quyết khoảng 4000 lao động trong lĩnh vực này. Vì vậy để giải quyết nguồn vật liệu xây đất sét nung còn tồn đọng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương trong giai đoạn khó khăn; UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng lùi thời gian áp dụng VLXKN tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD về sau năm 2015.

Tuy nhiên theo theo tính toán, để sản xuất ra 01 tỷ viên gạch đất sét nung theo kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí C02, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 0,75 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn (QTC). Như vậy nếu sử dụng toàn bộ gạch đất sét nung thì hàng năm sẽ tốn khoảng 1,125 triệu m3 đất sét, tương đương gần 60ha đất nông nghiệp và tiêu tốn 112.500 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,42 triệu tấn khí C02, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Dự báo đến năm 2020 tỉnh ta phải sử dụng khoảng 01 tỷ viên gạch QTC, nếu chúng ta vẫn sử dụng toàn bộ bằng gạch đất sét nung thì sẽ để lại hậu quả rất lớn. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu không nung; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng không nung được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định hiện hành của nhà nước, các ưu đãi của tỉnh để phát triển vật liệu xây dựng không nung.

Đến nay, các nhà đầu tư doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã bước đầu làm quen với VLXKN và đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất VLXD đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết bị để sản xuất VLXKN đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Đồng thời qua đây UBND tỉnh cũng có kế hoạch và lộ trình giảm dần và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung, đồng thời phát triển vật liệu xây không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung phù hợp với tình hình thực tế địa phương và xu hướng chung của toàn xã hội.

Qua thực trạng ngành công nghiệp sản xuất VLXD trên, Sở Xây dựng có một số đề nghị nhằm tăng cường công tác quản lý và định hướng phát triển ngành VLXD tỉnh nhà trong thời gian tới như sau:

1. Sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường và quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để làm cơ sở để quản lý.

2. Các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý về nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan, môi trường và phục vụ công tác quản lý ngành trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

3. Nhanh chóng có chính sách nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung để tiết kiệm đất sét và than (02 tài nguyên không tái tạo) và giảm thải ô nhiễm môi trường. Tăng cường sử dụng VLXKN là một chính sách đồng bộ và không thể tách rời với chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Mặt khác sản xuất VLXKN sẽ sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như: tro bay, xỉ của các ngành công nghiệp luyện kim, cán thép, phế thải công nghiệp đá …, sử dụng ít năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.

4. Thống nhất quản lý về VLXD, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch được duyệt, tránh làm ảnh hưởng đến công tác quản lý chung về ngành công nghiệp sản xuất VLXD và khoáng sản VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh.

5. Ban hành chính sách cơ chế phù hợp ngoài các các cơ chế trung ương để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của ngành xây dựng trong giai đoạn mới.

6. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD phải làm tốt công tác báo cáo sản lượng và kiến nghị cơ quan Nhà nước, UBND tỉnh về những khó khăn, thuận lợi của ngành công nghiệp sản xuất VLXD tỉnh nhà. Chủ động khai thác thế mạnh, nỗ lực khắc phục khó khăn, thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, sử dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng mới. Có như vậy mới khẳng định được thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới./.

Ngày đưa tin:  19/08/2013
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết - Xây dựng ký túc xá; các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 2)
Trụ sở làm việc Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117