1. Khái niệm công nghệ GIS
Hệ thống thông tin địa lí - GIS (Geographic Information
System) là một phương pháp để lập bản đồ và phân tích các sự vật, hiện tượng
trên trái đất. Công nghệ GIS kết hợp các thao tác dữ liệu thông thường và các
phép phân tích thống kê, phân tích địa lí và hình ảnh được cung cấp duy nhất từ
các bản đồ.

2. Những hạn chế của phương pháp lập quy hoạch ở Việt Nam
hiện nay
- Công cụ lập quy hoạch lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu thực
tiễn. Lập quy hoạch mất nhiều thời gian do thay đổi 1 thuộc tính dẫn đến mất
nhiều công sức thời gian để điều chỉnh các thay đổi liên quan mà vấn đề lựa
chọn trong nghiên cứu là luôn luôn xảy ra.
- Đánh giá và khớp nối thông tin hiện trạng thiếu chuẩn xác.
Thông tin không có sự thống nhất sau khi khớp nối do đó không đưa ra đánh giá
chuẩn xác cho hiện trạng và đề xuất các chiến lược phát triển dô thị.
- Liên kết, cung cấp thông tin cho các Sở, ban, ngành liên
quan và đặc biệt là khi cung cấp một cách nhanh chóng, chính xác đến người dân
để có thể phát huy được nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
giám sát (Chưa khai thác hết vai trò của cộng đồng).
Vấn dể đặt ra: Cần ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình
lập quy hoạch và quản lý thục hiện quy hoạch. Đây là xu hướng tất yếu của các
nước phát triển trên thế giới hiện nay.
3. Khả năng ứng dụng của công nghệ GIS
- Đa dạng thông tin trong 1 đối tượng: Các đối tượng chứa
nhiều lớp thông tin và GIS có thể mô phỏng các đối tượng theo các lớp thông tin
và liên kết, chồng khớp các lớp thông tin lại thành cơ sở dữ liệu về vật thể
muốn mô tả. Thông thường thông tin địa lý bao gồm: thông tin hình học và thông
tin phi hình học (hay còn được gọi là thuộc tính của đối tượng).
- Chia sẻ thông tin nhanh: Nhập và xuất bản dữ liệu ra nhiều
dạng thông tin do đó người dùng dễ dàng chia sẻ với với các hệ thống khác. Kế
thừa được thành tựu của nhiều khoa học khác.
- Khả năng phân tích đồng thời nhiều dữ liệu một lúc: Điểm
khác biệt cơ bản nhất của GIS với các hệ thống thông tin truyền thống và chính
là sức mạnh của GIS là khả năng phân tích đồng thời dữ liệu không gian và phi
không gian.

4. Một số ứng dụng GIS trong công tác Quy hoạch đô thị
4.1. Trên thế giới:
a. Mỹ:
Là một trong những nước đi đầu về công nghệ GIS, hệ
thống dữ liệu quốc gia được xây dựng rất hoàn chỉnh dựa trên hệ thống tiêu
chuẩn quốc gia và quốc tế.
Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị: GIS đã được áp dụng vào cả
công tác quản lý phát triển đô thị và lập quy hoạch. Hệ thống trợ giúp quy
hoạch nâng cao đã được phát triển trên công nghệ GIS. Ví dụ Hoa Kỳ đã phát
triển một hệ thống trợ giúp quy hoạch tên là “WHAT IF?”, cho phép mô phỏng các
kịch bản phát triển đô thị. Nhà quy hoạch có thể kết hợp nó hệ thống hỗ trợ
quyết định “DEFINITE” (phần mềm chứa các chính sách và chế tài sử dụng đất hiện
hành ở một đô thị) để đưa ra các khống chế và kiểm soát phát triển ở đô thị đó.
Trường Đại học Arizona ở Mỹ đã xây dựng một tòa nhà mô phỏng quyết sách quy
hoạch (planning decision theater)...
b. Nhật Bản:
Ứng dụng GIS đã được áp dụng rất phổ biến trong mọi lĩnh vực.
Những năm 70, các nghiên cứu tập trung vào xây dựng hệ thống thông tin khu vực,
thông tin đô thị, hệ thống thông tin về sử dụng đất, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật
đô thị; những năm 80: triển khai ứng dụng vào công tác quản lý tại địa phương
(quy hoạch, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đô thị...), nghiên cứu nâng cao và
chuyên sâu vào hệ thống thông tin đô thị; những năm 90: áp dụng vào đa ngành,
liên ngành (nông nghiệp, khảo cổ, khoa học trái đất, giao thông, quy hoạch xây
dựng, quản lý đất đai, giáo dục). Nhật Bản đã ứng dụng GIS trong công tác quản
lý và quy hoạch xây dựng từ cấp Chính phủ đến các bộ ngành liên quan và công
tác đào tạo quy hoạch trong các trường đại học.
c. Hàn Quốc:
GIS đã được áp dụng vào hầu hết mọi lĩnh vực trên cả nước.
Hàn Quốc đã và đang triển khai xây dựng hệ thống GIS quốc gia chia thành 03
giai đoạn: 1995-2000, 2001-2005 và 2006-2010 với tổng mức đầu khoảng 2 tỷ USD
(GĐ1: 255triệu USD, GĐ2: 458 triệu USD, GĐ3: 1.100 triệu USD). Hiện tại đã hoàn thành 02 giai đoạn: xây dựng
nền tàng cơ sở (bản đồ địa hình toàn quốc, địa chính, dữ liệu phi không gian...)
xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian (khung dữ liệu quốc gia, ngân hàng dữ liệu,
phát triển công nghệ GIS, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đào tạo chuyển giao
công nghệ...); xây dựng hệ thống ứng dụng đa ngành (hệ thống quản lý thông tin
đất đai, hệ thống quản lý thông tin quy hoạch, hệ thống quản lý thông tin kiến
trúc…); đang phát triển hệ thống nâng cao (thành phố thông minh-U-city, tối ưu
hóa ứng dụng nâng cao, hệ thỗng hỗ trợ quyết định quy hoạch...)
Ứng dụng GIS tại Hàn Quốc mới được đẩy mạnh từ năm 1995 và đi
sau các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Pháp,... nhưng đã đạt được những thành tựu
đáng kể trong thời gian ngắn. Phần mềm sử dụng chính là của hãng ESRI - Mỹ
4.2. Ở Việt Nam hiện nay:
Tại Việt Nam, mặc dù được biết đến từ khá sớm, nhưng mãi phải
đến sau năm 2000, tức sau khi có được những kết quả đầu tiên về việc tổng kết
chương trình GIS quốc gia ở Việt Nam, GIS mới thực sự được chú ý đến và bước
đầu phát triển. Hàng loạt chương trình GIS với sự tham gia của các trường đại
học, các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đã được triển
khai.
a. Tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Dự án Ứng dụng GIS trong quản lý di sản ở Cố đô Huế của UBND
Thừa Thiên - Huế là dự án thành công với
số vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Dù chỉ mới triển khai được vài năm, nhưng nhờ
GIS, Huế cũng đã bước được những bước đầu tiên trong việc phát huy hiệu quả của
GIS trong quản lý di sản. Khách du lịch cũng đã bước đầu được cung cấp thêm
công cụ tìm kiếm đường đắc lực, nhà quản lý cũng đã có được những cái nhìn tổng
thể về phát triển du lịch Huế để chuẩn bị cho những chiến lược dài hơn bảo tồn
và phát triển di sản cố đô.
b. Tỉnh Quảng Nam:
Ý tưởng xây dựng bản đồ dự báo ngập lụt cho Hội An do ông Lê
Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An đã đề xuất. Sau 3 năm thực hiện, giải
pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để xây dựng
bản đồ ngập lụt đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ thành phố xếp loại xuất
sắc. Năm 2009, giải pháp này đã được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh
Quảng Nam lần thứ III trao giải khuyến khích.
c. Tỉnh Quảng Trị:
Ngày 18/7/2011, tại Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Lễ
bàn giao dự án ứng dụng công nghệ GIS để quản lý và tra cứu thông tin liệt sỹ
và khai trương trang WebGIS Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Dự án ứng
dụng công nghệ GIS để quản lý và tra cứu thông tin liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt
sỹ quốc gia Trường Sơn do Trung tâm Ứng dụng HTTT Địa lý thành phố Hồ Chí Minh
thực hiện, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ
đồng do UBND TP. Hồ Chí Minh tài trợ.
5. Kết luận
Muốn công nghệ GIS phát huy hiệu quả cho lập quy hoạch thì
chúng ta cần có sự nghiên cứu lâu dài và toàn diện hơn nữa. Cần có sự giúp đỡ
của các nhà quản lý, công ty cung cấp phần mềm ứng dụng, cơ sở giáo dục và nâng
cao nhận thức của các nhà chuyên môn.
Nguồn: Arcontek - Kiến trúc và công nghệ
Sưu tầm: Nguyễn Thị Ái