“Đặc sản nhà ống”
trong đô thị đã từ lâu mặc định một vấn đề thường trực phải giải quyết: các mâu
thuẫn làm sao dung hòa? Từ mâu thuẫn giữa tận dụng tấc đất tấc vàng với khoảng
xanh hiếm hoi, khoảng trống hít thở, khoảng mở thoáng đãng, cho tới mâu thuẫn giữa
nhu cầu sử dụng không gian với giữ lại các dấu tích thời gian…
Và cả những mâu
thuẫn mang tính riêng tư trong từng gia đình, trong đó có vấn đề “mong ước kỷ
niệm xưa” làm sao tái hiện giữa bối cảnh sinh hoạt thời nay. Khi không gian eo
hẹp mà vẫn cần chút hoài niệm thấp thoáng bên “một cõi đi về” của mình thì phải
xử lý để cái cũ không cản trở cái mới, mà trái lại giúp cái mới tiện ích hơn,
thậm chí độc đáo hơn. Thái độ trung hòa sẽ giúp ta vừa tôn trọng và lưu giữ
bằng nhiều hình thức khác nhau những ký ức, kỷ niệm của ngày hôm qua, đồng thời
phải thu xếp sao cho sự hiện diện của không gian ký ức thành nét đẹp, điểm nhấn
để phục vụ cho nhu cầu hiện tại, chứ không thuần túy là chiếc rương cũ hay góc
tủ xưa phủ kín bụi thời gian.
Ba ngôi nhà giới
thiệu dưới đây đều không thuộc diện “trai xinh gái đẹp” theo chuẩn thời thượng,
đều do các gia chủ tuổi trung niên trở lên làm chủ, và đều chung một vấn đề:
cần phải tìm chỗ cho ký ức xưa không nhạt phai trong nơi chốn của mình. Cả ba
đều đã làm được trong khả năng và những bó buộc vốn có của không gian nhà ống.
1. Ngôi nhà bên
phường Cầu Ông Lãnh này đã qua mấy lần sửa chữa mà vẫn giữ một cốt cách rất
riêng, rất nhiều cảm xúc. Vốn là dân trong nghề nên gia chủ đã cải tạo nhà hai
lần. Lần nào cũng vì nhu cầu sử dụng nhưng rõ ràng là khi có con cái thì các ưu
tiên về sử dụng không gian sẽ lấn át các xếp đặt mang tính cá nhân. Khu vực
tầng trệt của nhà luôn là không gian đậm màu ký ức gia đình. Như chiếc mỏ neo
cũ kỹ mà bền chắc neo đậu con tàu qua sóng gió trôi nổi. Thêm hay bớt nhân
khẩu, mua sắm đồ đạc hay dọn dẹp bớt đi, thì một trục tâm linh nơi phòng khách
với khu bàn thờ và bàn ăn được vây quanh bởi những hình ảnh, trang trí, vật
dụng từ nửa thế kỷ gom lại.


Tất cả đều cũ
nhưng được giữ gìn kỹ lưỡng, và đứng cạnh nhau với khoảng cách vừa đủ, chặt
chẽ. Mọi thứ luôn bừa bộn theo cách mà các chủ nhân già cũng như trẻ cảm thấy
thuận tay vừa mắt nhất. 10 năm trước khu phòng ngủ và phòng làm việc bố trí khá
rộng trên gian áp mái, giờ đây phải nhường cho phòng của con và góc bếp nhỏ
phía sau. Tất cả như nén gọn và thêm chức năng, nhưng vẫn hợp lý và gia chủ gọi
đó là cách để nối dài ký ức, không gian để sống nên không thể đóng băng mà phải
có sự thay đổi, biến chuyển mà không biến chất.
2. Gia chủ tuổi ngũ tuần có thú sưu
tầm đồ đạc, nhạc cụ xưa cũ. Do đó ngôi nhà của anh tuy xây mới bên khu Đồng
Diều, Q.8 nhưng ai bước vào cũng ngỡ như nhà cũ sửa lại, thậm chí là nhà… chưa
làm xong. Đây là chủ đích, là gu sống mấy chục năm nay của gia đình nên anh rất
chăm chút cho sở thích “lạ” này của mình.



Giải pháp sử dụng
ở đây là làm nhà phủ màu xưa cũ ngay từ đầu, với các vật liệu và kỹ thuật xây
dựng phổ biến một thời. Ví dụ như dùng đá mài đá rửa trên sàn và tường, lấy ván
sàn gỡ ra từ ghe thuyền rồi trét dầu lát lại, phun sơn trộn với nhũ đồng rồi
dùng mút xốp tạo bề mặt loang lổ, quay gai xi măng bắn thành cục lồi lõm lên
tường để hút âm tốt hơn.

Các kiểu thi công hầu như đã “thất truyền” này khiến ngôi nhà trở
thành chốn đi về mang đậm đấu ấn riêng của gia chủ, đồng thời lại rất phù hợp
với hệ thống vật dụng sưu tập và đồ đạc mà anh vốn có.
3. Được giao lại mặt bằng từ ngôi nhà cũ của ba mẹ nằm trên con
phố dọc bờ kênh ở Chợ Lớn, gia chủ đã trăn trở nhiều về việc làm sao vừa tổ
chức không gian văn phòng tại nhà cho gần 100 người rải trên 5 tầng lầu mà vừa
không xóa nhòa đi các dấu ấn một thời của địa điểm đã gắn liền thuở hàn vi của
bậc sinh thành. Ngôi nhà xây khoảng thập niên 90 không thuộc dạng cổ hay có sự
đặc sắc gì về cấu trúc, do đó anh chọn cách giữ lại những gì đặc trưng như mảng
tường xây gạch và lan can cầu thang còn xài được. Giải pháp sau cùng được anh
chọn lựa là gợi nhắc, điểm xuyết theo bộ khung cũ của nhà. Anh mang chiếc xe
vespa một thời của cha dựng lại bên bức tường gạch để trần không tô trát. Anh
cũng không quên “tôn vinh” chiếc xe đạp
mini mà mấy chị em từng đi học bằng cách treo nó lên mảng tường nhỏ trong khu
cầu thang. Đây cũng là chỗ được xử lý thành góc pantry cho nhân viên khi giải
lao có thể pha cà phê hay ngồi thư giãn chốc lát, ngắm nhìn lên ô cầu thang cũ
được sơn phết lại.


Anh nêu quan điểm
tận dụng đồ cũ cũng là gợi nhắc về vòng đời của một sản phẩm có thể tiếp diễn,
có thể biến chuyển trong lớp vỏ hay diện mạo mới mà không cần phải xóa nhòa quá
mức, ví dụ như toàn bộ trần nhà cũ sau khi cạo lớp vữa cũ đã bong tróc thì chỉ
phun xi măng nhẵn lại. Do đó văn phòng mới trong ngôi nhà ống cũ này sau khi
cải tạo trở nên tươi tắn hơn nhưng vẫn lưu đủ các lớp thời gian cũ, rất được
nhân viên thích thú và bạn bè, khách hàng ủng hộ.
Vậy là 3 ngôi nhà không cùng cơ cấu
sử dụng, công năng, sở thích của gia chủ, nhưng cùng phải giải quyết chung một
vấn đề lưu giữ các dấu ấn thời gian cũ trong nhịp sống đương đại. Có thể thấy
hai nhóm giải pháp được chọn lựa là xếp đặt vật dụng cũ sao cho tương thích
không gian mới, và xử lý không gian sao cho lưu dấu hoài niệm mà không cản trở
sinh hoạt của gia chủ. Mẫu số chung để họ thành công là không quá cầu kỳ nhưng
cần đủ sự chăm chút, biết chọn lọc và cân nhắc các yếu tố phối kết với nhau để
vật dụng cũ - ký ức cũ trở nên sống động hơn. Đây cũng là một trong các thủ
pháp của xu hướng tái thiết kế - tái xây dựng- tái sáng chế hiện đang rất phổ
biến tại các nước phát triển: không nhất thiết và không nên đập đi xây lại cái
mới, mà hãy bắt đầu mọi sáng tạo trên nền của những không gian, ký ức và thời
gian đã có cũng như đang có.
Bài: KTS. KHANG HẠNH
Ảnh: SONG NGUYÊN
Sưu tầm: Dương Thị
Hậu
Nguồn: http://www.tcnhadep.com/3-ngoi-nha-2-giai-phap-1-van-de/