
Nếu bạn gặp phải những chủ đầu tư có những câu hỏi, yêu cầu vô
cùng lầy lội thì qua câu chuyện sau sẽ giúp bạn có thể đối đáp với chủ đầu tư 1
cách vô cùng tinh tế và lịch thiệp. Cám ơn Kiến Trúc Sư Renzo Piano và FB
Nguyễn Khánh Hòa đã chia sẻ câu chuyện thực tế.
Nhân vụ Nhà hát Thủ Thiêm, đăng ở đây ghi chú của mình tại cuộc
họp ngày 09/12/2010 giữa UBND TP Hà Nội (HN) với Renzo Piano Builidng Workshop
(RP) về thiết kế Nhà hát Thăng Long. Đây là ghi chú theo hiểu biết của mình
thôi chứ không phải nguyên văn:

- (HN): Ngài Renzo, đây là công trình rất quan trọng với thành phố
chúng tôi. Chúng tôi hay gọi là “công trình thế kỷ”, với ý nghĩa là nó sẽ tồn
tại trong 100 năm.
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Tôi mới đến Hà Nội nhưng thấy rất
nhiều công trình đã tồn tại hàng trăm năm, và chúng sẽ còn tồn tại thêm hàng
trăm năm nữa. Chúng tôi không hiểu tại sao công trình này lại chỉ tồn tại 100
năm? Sao các ngài không nghĩ nó sẽ tồn tại đến 500 năm, thậm chí 1000 năm,
không phải các ngài đang tổ chức lễ hội 1000 năm Thăng Long đó sao?

- (HN): Ngài Renzo, tại sao công trình này ngài làm cao thế, khu
đất còn rất rộng mà?
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Khi đứng ở khu đất nhìn mặt trời lặn
và mọc, cũng như quy hoạch không gian trong tương lai mà các ngài đã cung cấp,
chúng tôi cho rằng chiều cao của công trình như vậy là phù hợp với không gian
này. Các ngài có thể thấy chúng tôi vẽ những mặt cắt dài hàng km để thể hiện
tầm quan trọng về chiều cao của nó.
- (HN): Ngài Renzo, tôi vẫn nghĩ ngài nên vẽ như thế này (mở giấy
ra vẽ vẽ vẽ), như thế phù hợp hơn, xây như phương án của ngài phức tạp quá.
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Xin phép được hỏi quý danh của ngài?
- (HN): Tôi là GS.TS.KTS. ABC.
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Thưa ngài, tôi luôn lắng nghe mọi ý
kiến dù đồng tình hay phản đối, nhất là từ phía đồng nghiệp. Nhưng tôi không
bao giờ bắt một KTS khác phải làm theo ý tôi.

- (HN): Ngài Renzo, tôi thấy công trình này nhìn hơi giống những
công trình khác mà ngài từng thiết kế, ngài có thể thiết kế nó đặc biệt hơn được
không?
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Khi chúng ta nhìn một bản nhạc, chúng
có vẻ giống nhau vì chỉ có từng đấy nốt nhạc trên các dòng kẻ mà thôi. Nhưng
khi chúng ta lắng nghe, mỗi bản nhạc đều có sự đặc biệt riêng của nó.
- (HN): Ngài Renzo, tôi thấy ngài thiết kế Nhà hát này không đúng
tiêu chuẩn, vì tôi không thấy có lối vào nào trang trọng dành cho khách V.I.P?
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Với chúng tôi, thưởng thức nghệ thuật
không phân biệt ai là V.I.P, mọi lối vào mà chúng tôi thiết kế đều trang trọng
như nhau.
- (HN): Ngài Renzo, tôi thấy công trình này chưa biểu hiện được
đặc trưng văn hóa truyền thống của Việt Nam.
- Kiến trúc sư Renzo Piano: Tôi thấy rằng cha ông các ngài đã rất
tự tin khi tạo nên một nền văn hóa trải qua nhiều thế hệ, tại sao các ngài
không tạo ra đặc trưng văn hóa mới trong thời đại mà các ngài đã đạt được rất
nhiều tiến bộ về kinh tế hay khoa học và kỹ thuật này?
- (HN): Ngài Renzo, ngài có thể thiết kế cho chúng tôi 1 phương án
khác được không?
- Kiến trúc sư Renzo Piano : Tôi không hiểu tại sao các ngài trao
cho phương án của chúng tôi giải nhất trong cuộc thi thiết kế mà chúng tôi lại
phải làm tiếp phương án khác?

Nguồn: Nguyễn Khánh Hòa
Nguồn: https://www.kientruc.com/kinh-nghiem-nghe/kien-truc-su-renzo-piano-doi-dap-chu-dau-tu-viet-nam-&169.html
Xem hình ảnh phương án nhà hát Thăng Long (năm 2010) mà kiến trúc
sư Renzo Piano thiết kế và dành giải nhất nhưng có vẻ không được xây. Qua đó
mới thấy là muốn thành kiến trúc sư vĩ đại ở Việt Nam khó ghê !!!




ST: Lê Thị Mậu Ngọ