TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Chủ nhật, 03/12/2023
HOẠT ĐỘNG
Nghiên cứu, tham khảo quy hoạch và phát triển đô thị tại Thái Lan

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Công ty cổ phần Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đã cử đoàn cán bộ, nhân viên gồm 27 người thực hiện công tác nghiên cứu, tham khảo về quy hoạch và lập dự án, thiết kế phát triển du lịch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực ven biển tại Thái Lan từ ngày 18 đến ngày 22/8/2018 theo Quyết định số 53/QĐ-VQH ngày 15/8/2018 của Tổng Giám đốc Công ty. 

Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại thủ đô Bangkok để tìm hiểu về phát triển đô thị, nhất là việc gắn kết giữa các khu đô thị trung tâm hành chính - chính trị với các trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ, các khu di tích lịch sử với việc khai thác và phát triển du lịch. Khảo sát về các hình thức, cách thức tổ chức giao thông công cộng và các khu chức năng trong đô thị. Đánh giá tác động đối với môi trường, cảnh quan của đô thị hóa.

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-1.jpg

Trong lĩnh vực phát triển du lịch ven biển, Đoàn đã khảo sát thực tế tại thành phố Pattaya để tìm hiểu về cơ sở hạ tầng đô thị gắn kết với cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch gắn với kinh tế biển, đảo. Liên kết giữa các thành phố với trục giao thông cao tốc liên tỉnh và khả năng tận dụng lợi thế hạ tầng khung trong phát triển các trung tâm đô thị đa chức năng. Khả năng đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm độc đáo và tài nguyên đặc trưng vùng miền.

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-2.jpg

 Một số nhận xét rút ra sau chuyến công tác:

1. Mô hình quy hoạch đô thị

- Thủ đô của Thái Lan có nhiều sự tương đồng về dân số với Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến năm 2016, Bangkok có khoảng 14 triệu dân sinh sống trên tổng diện tích khoảng 1.554 km2, trong khi đó TPHCM có khoảng 13 triệu dân sinh sống trên tổng diện tích khoảng 2.100 km2 (tính cả những người địa phương và người nhập cư làm việc).

- Mặc dù mật độ dân cư đông đúc và là một trong 25 siêu đô thị (megacity) trên thế giới nhưng chính quyền Bangkok đã rất nỗ lực để vận hành thành phố này một cách tốt hơn, cụ thể đó là quy hoạch đô thị, giao thông hợp lý, giữ được những mảng xanh đô thị để cân bằng sinh thái.

- Các công trình kiến trúc được giữ gìn, hòa trộn khéo léo, thú vị giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh những tòa nhà hiện đại, cao chọc trời và sự náo nhiệt của giao thông phương tiện đi lại, thành phố Bangkok vẫn còn lưu giữ rất nhiều công trình kiến trúc cổ xưa mang đậm các hình ảnh của quá khứ như: những cung điện nguy nga, những ngôi đền mạ vàng, các khu chợ nổi luôn tấp nập, nhộn nhịp… Ngoại thành Bangkok còn có nhiều công viên, thành quách cổ xưa, tháp vàng, khu nuôi cá sấu… thu hút đông đảo du khách đến xem.

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-3.jpg

  + Một số công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu như: Nhà hát Patravadi, Đền thờ Hindu - Erawan, Chùa Loha Prasat, Chùa Wat Suthat...

+ Một số công trình kiến trúc mới, hiện đại như: MahaNakhon, một biểu tượng mới của Bangkok nói riêng, và cả Thái Lan nói chung; Trung tâm mua sắm Central Embassy Bangkok...

2. Tổ chức mạng lưới giao thông đa dạng, nhiều loại hình

- Đường bộ: Mặt đường chỉ dành cho xe chạy - đỗ xe tại nơi bãi đỗ: Tại Bangkok, tất cả nhà hàng, khách sạn, khu chung cư đều có chỗ đỗ xe ngầm/ và nổi trên cao. Mô hình bãi đổ xe nhiều tầng được áp dụng ở nhiều nơi có thể tham khảo để áp dụng cho địa phương, đặc biệt là các khu trung tâm đô thị trong tương lai.

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-4.jpg

- Đường cao tốc trên cao: Hầu hết các tuyến đường cao tốc được cao hơn mặt đất. Các mạng lưới đường cao tốc hiện tại kết nối các bộ phận chính của Bangkok và các khu vực ngoại thành. Đường cao tốc được sử dụng để tránh ùn tắc giao thông nặng ở Bangkok và giảm thời gian lưu thông, nhưng đôi khi chính nó bị tắc nghẽn trong giờ cao điểm.

- Hệ thống đường sắt đô thị: Hệ thống giao thông đường sắt cao tốc ở Bangkok được đại diện bởi bốn hệ thống tàu điện ngầm: ba trên mặt đất và một hệ thống ngầm. Tàu điện ngầm nổi hoặc BTS (Skytrain), bao gồm ba tuyến với tổng chiều dài 38 km với 41 ga: 22 - trên tuyến đường “Sukhumvit”, 12 - trên tuyến đường “Shilom”, 6 - trên tuyến đường đến sân bay. Hệ thống tàu điện ngầm Metro Bangkok - MRT - bao gồm hai tuyến đường tuyến với chiều dài là 45 km với 35 ga. Giờ làm việc của tất cả các loại tàu điện ngầm: từ 06:00 sáng đến nửa đêm.

Nhanh và hiệu quả, MRT phối hợp với Skytrain đã mang lại nhiều lợi ích, giảm tải tắc đường Bangkok.

3. Hạ tầng kỹ thuật đô thị

Được xây dựng trên hai bờ sông Chao Praya, Bangkok là một trong các đô thị bị sự biến đổi khí hậu đe doạ nghiêm trọng.

Ngập lụt đang là một vấn đề của thủ đô Bangkok. Quá trình nghiên cứu cho thấy rất nhiều bài học kinh nghiệm của công tác quy hoạch xây dựng đã dẫn đến hệ lụy này như: bỏ quên chức năng thoát lũ của các dòng kênh, dòng chảy tự nhiên; Chặn dòng, dựng phố, xây công trình tại các vùng trũng thấp... Có thể nói, thiên tai lũ lụt ở Bangkok đã gióng tiếng chuông cho việc xây dựng hệ thống phòng chống lũ lụt và thiên tai của các đô thị lớn châu Á nói chung, các đô thị Việt Nam nói riêng.

4. Tổ chức không gian khu đô thị du lịch biển Pattaya

Là điểm du lịch nổi tiếng nổi tiếng của Thái Lan, thành phố biển Pattaya đã tổ chức các không gian đô thị đặc trưng.

- Quy hoạch, tổ chức không gian bãi biển: Pattaya có một đường biển dài chạy vòng quanh thành phố với những bãi tắm đẹp và vô số các trò chơi trên nước như đua mô tô, dù lượn, lặn biển. Các nhà nghỉ hướng biển tiện nghi. Nhưng hấp dẫn hơn cả là những chuyến đi biển ra các hòn đảo nhỏ quanh Pattaya, nơi sở hữu những bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh đến tận đáy, vô số các loài san hô và cá đủ màu sắc. Các du khách thường bắt đầu chuyến đi vào khoảng 7h sáng và kết thúc lúc 5h chiều để đi các đảo, ăn trưa trên đảo và tắm biển ngoài đảo.

- Quy hoạch các khu trung tâm đa chức năng:

+ Phát triển du lịch cần đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm đi đôi với nâng cao tiện ích, hợp lý hóa dây chuyền công năng trong khu du lịch để tăng mức độ thụ hưởng là cơ sở quyết định khả năng thu hút, giữ chân khách du lịch.

+ Phát huy cao nhất sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch vừa đảm bảo lợi ích xã hội thực sự trong phát triển du lịch, vừa nang cao tính bền vững trong phát triển. 

+ Gắn kết phát triển du lịch với phát triển hạ tầng khung, nhất là các trục giao thông liên tỉnh sẽ tận dụng cao nhất lợi thế trong phát triển các trung tâm du lịch đa chức năng.

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-5.jpg

- Quy hoạch khu Phố đi bộ Walking street: Walking Street nằm ở giữa khu trung tâm và Jomtien trên con đường dọc ven biển mà ai cũng có thể tìm thấy. Dọc con phố là khu chợ, các quán bar, nhà hàng dày đặc. Vào ban ngày, đây là một khu chợ với rất nhiều quần áo, tranh ảnh, đồ trang sức, đá quí, đồ thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm. Về đêm, toàn khu phố sáng bừng với rất nhiều khách vui chơi giải trí.

- Quy hoạch, phát triển các điểm du lịch vệ tinh, dựa trên các giá trị văn hóa, cảnh quan đặc thù: như Khu du lịch sinh thái Nong Nooch...

- Quy hoạch kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn:

    + Phát triển nông thôn cần dựa trên sự tham gia cao nhất của cộng đồng dân cư với những tầm nhìn dài hạn được xác định rõ ràng để có được nền tảng bền vững cho sự phát triển trước mắt và cả lâu dài.

+ Tôn trọng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các truyền thống tốt đẹp do tổ tiên để lại là tải sản tinh thần vô giá trong phát triển thời hiện đại.

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-6.jpg

- Thiết kế đô thị và tổ chức hạ tầng đô thị:

   + Các đô thị kết nối với nhau bằng hệ thống hạ tầng giao thông cao tốc hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc vận chuyển giữa các đô thị, vùng miền.

   + Với các đô thị có mật độ dân số và giao thông cao, hệ thống hạ tầng được tổ chức hợp lý và liên hoàn có tầng bậc rõ rệt đã khắc phục tương đối tốt những vấn nạn trong đô thị hiện đại như ùn tắc, ô nhiễm,...

20180913-Hoc-tap-tai-thai-Lan-7.jpg

Hoạt động học tập kinh nghiệm này có ý nghĩa thiết thực và đạt hiệu quả cao trong tăng cường nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn trong phát triển đô thị đa chức năng kết hợp phát triển du lịch. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và lập dự án, thiết kế phát triển du lịch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật các khu ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ./.

                                                                            Tin bài: Ths. Lê Thị Mỹ Hướng


Ngày đưa tin:  13/09/2018
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
Điều chỉnh Quy hoạch Chi tiết xây dựng khu dân cư Tây Sông Ba đến Quốc Lộ Trường Sơn Đông, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai
Hội trường UBND huyện Phước Sơn
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117