TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Thứ năm, 18/04/2024
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC - HỢP TÁC QUỐC TẾ
Thành phố thông minh - người dân phải là trung tâm của mọi tiêu chuẩn

Dù là ứng dụng công nghệ thông tin hay bất kỳ giải pháp nào, mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng thành phố thông minh (TPTM) là sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc của người dân, đó là khẳng định của ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương.

20191025-Thanh-pho-thong-minh.jpg

Công nghệ là nền tảng để kết nối, chia sẻ

Ngày 23.10, Hội nghị Thượng đỉnh TPTM đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Với chủ đề kết nối và lan tỏa các tri thức, kinh nghiệm về phát triển TPTM, hội nghị đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia quốc tế.

Vẫn xoay quanh câu chuyện về việc công nghệ thông tin là nền tảng để xây dựng TPTM, tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Lãnh đạo Thông tin ASEAN chỉ ra thực tế, hiện nay, tại ASEAN có hệ thống TPTM tại 10 quốc gia, vậy tại sao các thành phố này không hợp tác với nhau để học hỏi kinh nghiệm.

Ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương cho biết, công nghệ cần phải tạo ra sự kết nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. “Tại Malaysia, chúng tôi đang phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng hệ thống điều hành giao thông hay triển khai dịch vụ giao thông chia sẻ. Điều này đang giúp giảm đi sự ùn tắc giao thông ở một quốc gia có 90% có phương tiện cá nhân là ôtô”.

Cùng trao đổi về vấn đề kết nối, ông Glenn A.Hughes - Giám đốc Cty PwC Việt Nam - lại chỉ ra một vấn đề khác mà nhiều địa phương đang gặp khó là tài chính. “Việc thiếu nguồn vốn và tài chính cộng với những cơ chế chính sách chưa đầy đủ là điều các quốc gia đang gặp phải trong tiến trình xây dựng TPTM, trong khi đó, sự tham gia của khối tư nhân cùng với nhà nước có thể giảm bớt gánh nặng này. Như tại Đà Nẵng, các bạn có thể có những bước đi mới khi nhà nước cùng doanh nghiệp hợp tác trong vấn đề chiếu sáng đô thị, giao thông và xử lý nguồn nước” - ông Glenn A.Hughes chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, để triển khai xây dựng TPTM thành công, Đà Nẵng cũng đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng cần phải thực hiện là hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín. Đến nay UBND thành phố đã ký với 6 đối tác như: VNPT, FPT, Viettel, VietinBank, SeaBank, Cty BRG. Với những nỗ lực đó, năm 2019, Đà Nẵng đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương trao giải thưởng TPTM, đánh dấu một bước phát triển mới cho thành phố.

Đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Tại Việt Nam, theo phân tích số liệu của PwC, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến 45% (2020). Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ đã chính thức khuyến khích tất cả 63 thành phố và tỉnh thành xây dựng TPTM. Đến nay, trên 30 tỉnh/thành đã hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội CNTT Việt Nam góp ý, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra quy chế, quy tắc, tiêu chuẩn của một TPTM để mỗi tỉnh thành biết phải làm gì. Thứ nữa là phải phát triển quy chế thông thoáng về hợp tác công tư, làm sao tiến độ đề án thay vì 1, 2 năm xuống còn vài tháng.

Đặc biệt, một quan điểm được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị được nhấn mạnh rằng, người dân phải là trung tâm của mọi hành động. Ông Bình lý giải: “TPTM là cách mà chính quyền đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đó là hạ tầng thông minh, cơ sở dữ liệu từ điện, đường đến trường học, y tế... Mọi cuộc chuyển đổi số hay cuộc cách mạng 4.0 đều lấy người dân làm trung tâm mà đầu tiên là người dân phải được hưởng nước sạch để dùng, đi lại không bị tắc nghẽn, ốm đau không phải chờ đợi nhiều khi đến bệnh viện, ra đường phải được an toàn. Để làm được như vậy, chính quyền phải thường xuyên tương tác, hiểu những gì người dân cần và đáp ứng những điều cơ bản thì mới tính tiếp đến việc xây dựng thành phố xanh, không khí trong lành…”.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương cho biết, tại Maylaysia, người dân được đưa lên hàng đầu. Công nghệ dù mạnh mẽ hay tối ưu như thế nào mà nếu người dân không được tham gia vào quá trình đó thì cũng không có ý nghĩa.

“Định nghĩa của chúng tôi là sử dụng công nghệ là xử lý những vấn đề con người gặp phải đáp ứng các yếu tố bền vững, an toàn… Và dù có áp dụng bất kỳ một công nghệ nào thì mục tiêu lớn nhất của một TPTM là sự thịnh vượng và hạnh phúc của người dân” - ông David Wong chia sẻ.

* Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố Thông minh 2019 (Smart City Summit) có sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, sở, ban ngành, địa phương của một số tỉnh và thành phố trên cả nước, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu. Được tổ chức thường niên từ 2017, Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh là sáng kiến của VINASA phối hợp với các tỉnh thành phố và các tổ chức CNTT quốc tế tổ chức thường niên, nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực. Qua đó, đem lại sự thuận tiện cho đời sống nhân dân, an toàn và an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

* Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, trăn trở nhất khi xây dựng một đô thị thông minh là định nghĩa nó sẽ thế nào. Với tỉnh Thừa Thiên - Huế đô thị thông minh là một hệ sinh thái giữa chính quyền thông minh, người dân thông minh và công nghệ là công cụ cho điều đó. Cho nên, chúng tôi không phải đặt công nghệ lên hàng đầu mà vấn đề làm sao nắm bắt yêu cầu của người dân, làm sao để cho người dân biết được đô thị chúng ta cần phát triển đến đâu để đồng lòng cùng chính quyền. Cuối 2018 chúng tôi có thông qua đề án trung tâm dịch vụ điều hành đô thị thông minh. Sau 6 tháng chúng tôi nhận được Giải thưởng giải pháp đô thị thông minh sáng tạo nhất Châu Á. Có được kết quả này là ngay từ đầu chúng tôi xác định lấy nhu cầu, ý kiến của người dân làm gốc.

Theo Thùy Trang/Laodong.vn

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/thanh-pho-thong-minh-nguoi-dan-pha-i-la-trung-tam-cua-moi-tieu-chuan.html

ST: Lê Thị Mậu Ngọ

 

 

Ngày đưa tin:  28/10/2019
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết - Xây dựng ký túc xá; các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 2)
Trụ sở làm việc Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117